MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Bộ Công thương vẫn muốn làm thép

Sáng ngày 15-11, khi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định trên diễn đàn Quốc hội không có lợi ích nhóm trong phê duyệt dự án thép Cà Ná, trang web Bộ Công thương đưa hàng loạt thông tin theo hướng nên ủng hộ các dự án thép lớn.

Trong thông tin được đăng tải trên web và gửi cho báo chí, Bộ Công thương cho rằng “giai đoạn này là thời điểm thích hợp để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp thép”.

Bộ Công thương còn đưa ra dự báo VN sẽ thiếu hụt 20 triệu tấn thép vào năm 2020, thiếu tiếp 25 triệu tấn thép thô vào năm 2025, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Bộ Công thương nêu đã có ba dự án Khu luyện thép liên hợp được cấp Giấy chứng nhận nhận đầu tư nhưng chỉ có duy nhất dự án Formosa Hà Tĩnh được triển khai, hai dự án còn lại đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, đó là dự án Khu liên hợp Cà Ná, (được liên doanh giữa tập đoàn Lion và Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam), dự án Nhà máy thép GuangLian Dung Quất (100% vốn Đài Loan).

Đồng thời, bộ này cũng cho rằng, nếu không phát triển các dự án Khu liên hợp luyện thép lò cao để sản xuất các loại thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo sẽ có một nghịch lý là sở hữu lượng quặng sắt rất lớn và các lợi thế khác nhưng công nghiệp quốc phòng và đóng tàu… lại phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu với khối lượng lớn.

Bộ Công thương còn nêu hàng loạt lợi thế của Việt Nam để làm thép. Thứ nhất là lợi thế từ nguồn nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, hiện VN có trữ lượng quặng sắt lớn, khoảng 1,3 tỉ tấn, trong đó mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 550 triệu tấn, đã hoàn thành các giai đoạn chuẩn bị đầu tư song chưa thể đưa vào khai thác do công suất các lò cao trong nước còn nhỏ, nhu cầu tiêu thụ quặng sắt không nhiều.

Lợi thế tiếp theo được đề cập là cảng nước sâu. “Với lợi thế hơn 3.000 km bờ biển và hệ thống cảng nước sâu phong phú, VN có đủ điều kiện để xây dựng những Khu liên hợp luyện thép cỡ lớn, đảm bảo hiệu quả về kinh tế và an toàn về môi trường tại các khu vực tiềm năng có cảng nước sâu như Nghi Sơn, Dung Quất, Cà Ná...”, Bộ Công thương nhấn mạnh.

Tiếp đến là lợi thế nhân công. So với các quốc gia có nền công nghiệp thép phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, Bộ Công thương cho rằng, VN có thu nhập bình quân đầu người thấp. Ngành thép là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, do vậy giá nhân công rẻ là một lợi thế lớn.

Cuối cùng là lợi thế về chi phí vận chuyển và bán hàng. Bộ Công thương cho rằng với mức tiêu thụ thép trên 20 triệu tấn/năm, VN là một thị trường tiêu thụ thép lớn trong khu vực Đông Nam Á. Việc tiêu thụ các sản phẩm thép trong thị trường nội địa với hệ thống đại lý sẵn có của các doanh nghiệp Việt Nam là một lợi thế lớn.

Sau sự cố môi trường biển miền Trung, nhiều cử tri bày tỏ sự lo ngại đối với các dự án sản xuất thép, nhất là các dự án thép liên hợp có các lò luyện cốc. Tuy nhiên, Bộ Công thương nêu “với trình độ khoa học, công nghệ và thiết bị luyện gang thép hiện nay, hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường nếu… tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định về trong vận hành”.

Bộ này còn cho hay, trên thế giới hiện có hàng trăm tổ hợp thép lớn đang hoạt động ở cả vùng ven biển hoặc sâu trong lục địa (trong số đó có nhiều nhà máy hoạt động cả trong các thành phố lớn, đông dân cư). Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều chưa xảy ra sự cố lớn về môi trường.

Theo Trần Vũ Nghi

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên