Bỏ đại học danh tiếng làm công nhân, thợ làm cây cảnh...và hành trình từ nhân viên môi giới được mệnh danh “thánh vợt” đến CEO công ty BĐS uy tín
Mỗi ngày chỉ ngủ từ 4-5 tiếng và cảm thấy ngủ thêm 1 tiếng là sự lãng phí; thích mặc đơn giản để tiết kiệm thời gian lựa chọn; chẳng cầu kỳ ăn uống vì không muốn mất thời gian suy nghĩ nên ăn gì… đó là những hình ảnh về Trần Khắc Lĩnh, Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ bất động sản LinkLand.
Khi nhắc lại câu chuyện về khoảng thời gian quyết định bỏ học đại học, trải qua nhiều áp lực từ gia đình, xã hội đến những công việc tay chân như phụ hồ, công nhân bao bì, thợ làm cây cảnh… đôi lúc, giọng anh Trần Khắc Lĩnh lại dừng lại, đôi vai rung lên vì xúc động. Anh thừa nhận bản thân mình là người tình cảm và nhạy cảm. Có nhiều khi chỉ nghĩ tới những người thân trong gia đình, anh lại cay cay khoé mắt.
Nhìn lại một chặng đường hơn 10 năm đã qua với tháng ngày bươn chải vất vả, CEO LinkLand thẳng thắn nói, chính bản thân anh cũng không rõ, nếu quay lại khoảng thời gian đó sẽ có vượt qua được không? Còn ở hiện tại, với anh, phía trước đang có rất nhiều việc cần phải làm, phải "cày" để tương lai có thể làm được nhiều hơn nữa cho gia đình, xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Hơn 10 năm trước, đại học luôn là ước mơ và khát khao của nhiều người bởi nó được ví như con đường đạt được một công việc tốt, lương cao, ổn định. Thi đỗ vào một trường đại học hàng đầu nhưng anh lại từ bỏ. Vì sao anh lại lựa chọn vậy?
Khi thi đỗ đại học chẳng ai muốn bỏ. Bỏ thì thi làm gì cho mất công học tập. Đối với người dân Thanh Hoá quê tôi, trượt đại học vốn là điều gì đó kinh khủng. Khi tôi đỗ Đại học, đó là điều rất vinh dự cho gia đình.
Nhưng tôi chọn bỏ phần lớn vì lúc đó nhà tôi nghèo. Ngày ấy, tôi được vay tiền trợ cấp sinh viên nhưng không đủ chi trả cho cả chi phí sinh hoạt hàng tháng. Họ hàng nhà tôi cũng nghèo. Tôi cần tiền hỗ trợ sẽ không thể vay là có ngay mà phải mượn bên này, bên nọ, mất nhiều ngày. Vì nghèo nên tôi suy nghĩ nhiều, có hôm khóc. Chắc do gia đình nghèo nên tôi hay nhạy cảm.
Một lý do khác, đó là vì tôi là người thực tế. Tôi nhớ, năm thứ nhất, khi học ngành quản trị kinh doanh của Đại học Quốc gia TP.HCM, hơn 100 sinh viên lớp tôi hô: "Bạn là ai, tôi là CEO". Tôi nghĩ, cứ học xong 4 năm ở đây mà ra ai cũng làm được CEO thì vô lý. Tôi không phủ nhận học đại học, chỉ là với cá nhân tôi đi học như vậy thì thật vô nghĩa, lãng phí. Lại thêm nghèo không có tiền đi học, nên năm thứ nhất tôi bỏ, để lăn lộn với đời.
Phản ứng của gia đình anh khi đó rao sao? Và cuộc sống "lăn lộn với đời" của anh đã diễn ra như thế nào?
Sau khi bỏ đại học, gia đình tôi phản ứng rất gay gắt, mẹ khóc, bố ốm. Người ta dị nghị. Tôi phải bẻ sim, không muốn liên lạc với gia đình. Nhiều người bảo tôi phũ nhưng tôi nghĩ có hiếu với bố mẹ không phải trong ngắn hạn. Vì tôi có linh cảm của riêng mình, biết cái gì sẽ xảy ra và cái gì quan trọng trong tương lai. Tôi biết 5-10 năm nữa mình sẽ cần cái gì.
Bỏ học xong, tôi đi phiêu bạt, làm các công việc chân tay, từ phụ hồ, công nhân bao bì, đi làm thợ cây cảnh, nhân viên bưng bê ở nhà hàng, giao hàng, thợ điện nước, gia sư buổi tối...
Ngày xưa trông tôi còi, lại lem nhem. Tôi lại bỏ học nên hàng xóm bàn tán nhiều lắm. Có người còn sợ tôi không lấy được vợ.
Ngày xưa tôi như thằng hoang dã. Bởi tôi là một người tham vọng nhưng không có gì trong tay, về nhà lại bao người xỉa xói vào gia đình mình.
Họ đâu biết tôi có nỗi khổ riêng. Chính vì nhà nghèo, được lăn lộn nhiều nên cuộc sống bóp méo và nắn tôi thành nhiều kiểu. Đến 7/2014, tôi bắt đầu xin việc vào tập đoàn bất động sản và sau đó, theo đuổi công việc này.
Tai sao lại là bất động sản? Phải chăng bởi đó là nghề mà người ta có thể sớm trở nên giàu có?
Trước đây, tôi có đọc báo và biết nhiều người giàu từ bất động sản nhưng khi nộp đơn xin vào làm ở công ty bất động sản, tôi lại không nghĩ nhiều. Ban đầu, tôi chỉ muốn chứng minh cho một số người (những người đã từng cho rằng, một người không bằng cấp như tôi không thể làm được gì tử tế): không bằng cấp, vẫn có thể làm việc trong công ty có tiếng.
Ngày đó, tôi gửi CV phải đến lần thứ 4 mới được hồi âm. CV của tôi chỉ là tâm thư nói về cuộc sống, con người mình và tôi ra Hà Nội để gặp chị nhân sự xin việc. Tôi nói với chị ấy rằng: "Em không cần gì, cần mỗi chỗ ngồi. Khi nào em làm được, chị nhận em sau cũng được". Vì tôi biết mình chẳng có gì nên cứ được làm, không được nhận lương hay là nhân viên của công ty cũng không sao cả!
Sau đó, từ thành tích tốt đấy, tôi được 1 số công ty bất động biết đến và dần tôi quyết định phải làm lãnh đạo chứ không làm nhân viên bán hàng nữa. Tôi lên làm trưởng phòng, giám đốc và chức danh gần nhất trước khi tôi ra mở công ty riêng là Phó Tổng giám đốc cho một công ty chuyên bán hàng của Vingroup.
Thương vụ đầu tiên "chốt" thành công của anh đã diễn ra như thế nào?
Đến tháng thứ 2 tôi mới chốt được hợp đồng đầu tiên. Thời gian đầu, tôi bán dự án Royal City, giá tầm gần 4 tỷ một căn trở lên, khá khó khăn. Người ta thường nghĩ muốn bán được bất động sản phải có điều kiện tài chính, nhiều mối quan hệ, kinh nghiệm... Tôi cũng từng nghĩ vậy. Đến khi làm thực tế, tôi thấy không đúng. Vì tôi và nhiều người khác không có tất cả những yếu tố đó nhưng cuối cùng vẫn chốt được khách hàng.
Cách làm của tôi là "vợt" không sót một ai. Một hình thức quen thuộc dân sales bất động sản là đứng trực dự án, hay còn gọi là "vợt khách". Nhóm của chúng tôi đứng trực ở sảnh R4 dự án Royal City. Vì chăm "vợt" nên tôi từng được mệnh danh là "thánh vợt". Bởi tôi vợt từ xe ôm, taxi… đến sếp, người của chủ đầu tư, không trừ một ai. Vì tôi có biết ai là ai nên cứ vợt.
Tôi còn quan niệm, không biết ai là người mua, người không mua. Biết đâu, người tưởng không mua lại mua cho mình vài căn. Thế nên, tôi đứng cả ngày, còn không dám đi ăn. Tôi thường nhờ bạn mua hộ hộp cơm, tranh thủ ăn vội, thấy khách đi qua lại dừng, chạy nhanh ra vợt vì sợ có thể họ chính là người mua cho mình vài căn nhà. Không thể biết ai là khách, ai là người mua nhiều hay mua ít nhưng chắc chắn một điều: "Nhất định không được bỏ sót ai". Với phương án đó, tôi đã chốt thành công được khách khi không có tài chính để chạy quảng cáo, mối quan hệ, kinh nghiệm, kiến thức... Sau dần dần, tôi cũng quen nên nhận định được đâu là xe ôm, lái xe taxi…
5 năm sau khi bước chân vào lĩnh vực bất động sản, anh đã quyết định thành lập công ty riêng với vai trò là chủ đầu tư. Đối với anh đó phải có quyết định mạo hiểm?
Tôi không cho đó là mạo hiểm, vì Xã hội nhiều người còn làm được hơn thế. Hoặc cứ cho là mạo hiểm thì cuộc sống tôi từ khi hết cấp 3 luôn thích làm những gì khác biệt và nếu tôi không dám mạo hiểm thì đời tôi mãi nghèo thôi. Tôi cảm thấy con người mình xuất phát từ nghèo nàn, không có gì trong tay nên có gì đâu mà phải sợ, nên với tôi, lập công ty riêng với vai trò là chủ đầu tư là chuyện bình thường. Khi còn làm sale, tôi đã thích đầu tư. Ban đầu còn bập bẹ với các hình thức đầu tư khác nhau. Sau này, càng làm lên làm lãnh đạo, tôi càng nhận ra: Chỉ có đầu tư mới mang lại lợi nhuận cao. Đỉnh của nghề bất động sản chính là hình thức đầu tư.
Ngày ấy, tôi cũng nghĩ, nếu lập sàn bất động sản chỉ để phân phối dự án thì rất khó cạnh tranh với công ty phân phối lớn. Thế nên tôi chọn bắt đầu là chủ đầu tư dự án nhỏ tại ven đô Hà Nội.
Tôi vốn là người rất quyết đoán, không suy nghĩ quá nhiều. Người khác cân nhắc 1 tiếng nhưng tôi lại quyết trong một phút. Thay vì nghĩ nhiều, tôi chọn làm luôn và làm nhiều. Giờ nghĩ lại, tôi thấy hơi liều vì xã hội có rất nhiều người giỏi hơn mình. Nhưng kinh doanh vốn dĩ đã là phải vậy. Tiền chưa biết dùng vào việc gì là điều rất nguy hiểm. Và tôi sợ nhất là không biết nợ nên tôi cứ làm.
Nhìn lại hành trình từ một người không bằng cấp, không có gì trong tay đến trở thành CEO của một công ty bất động sản có tiếng tại Hà Nội như hiện tại, anh cảm thấy như thế nào?
Đến hiện tại, mỗi khi nhìn lại những gì mình đã trải qua, tôi có rất nhiều cảm xúc và đôi lúc nghĩ: "Kinh khủng thật", có nhiều chuyện kinh khủng trong tâm trí tôi không tiện kể ra. Bây giờ cho quay lại, tôi tự hỏi không biết mình có làm đươc không? Rồi nghĩ lại cũng vui vì bản thân mình từ chẳng có gì, sẵn sàng làm mọi thứ, tự học rồi trở thành như ngày hôm nay. Những nhân viên của tôi đều có bằng cấp và còn học trường đại học top đầu.
Đôi lúc, tôi tự động viên mình là người khá thú vị vì đã tự học tất cả. Còn hiện tại, tôi vẫn thấy bản thân mình yếu kém, chẳng ăn thua so với nhiều người. Con người tôi có đặc điểm năng lực giới hạn nhưng tham vọng lại vô hạn. Đó là lý do khi tôi kiếm được một số tiền lớn, tôi chỉ vui trong một ngày. Hôm sau lại rơi vào cảm giác khác vì lại kì vọng mức lợi nhuận mới do đã đổ toàn bộ số tiền kia đi đầu tư. Nên tôi thấy với mình mọi thứ vẫn chưa bao giờ là đủ và không có bất kỳ thứ gì trong kinh doanh khiến tôi hài lòng.
Anh có đặt cho bản thân những mục tiêu, cột mốc về tài chính như 1 triệu đô đầu tiên, 2 triệu đô…?
Trước đó, tôi cũng từng nghĩ tới thời điểm mà mình kiếm được 1 triệu đô đầu tiên. Nhưng, chỉ là con số ước tính cộng dồn tổng tài sản trong một thời gian nhất định. Còn bản thân tôi, chẳng có thời gian đặt ra mục tiêu tài chính cho chính mình. Với tôi, mục tiêu là cái gì đó rất trừu tượng, không rõ ràng. Hoặc nói đúng hơn là mục tiêu tài chính của tôi là không giới hạn.
Một là vì tôi thuộc tuýp người thích sự đột phá không trở tay kịp. Và tôi là người rất thích làm việc, và kiếm tiền không giới hạn, cho nên cứ cày và cày thôi, tiền càng nhiều càng ít.
Hai, tôi không muốn mất thời gian để ngồi cân nhắc, suy nghĩ đặt cái này, đặt cái kia. Dù hoàn thành hay không hoàn thành mục tiêu con số thì bạn vẫn phải làm. Thế nên, thay vì mất công đặt, tôi làm luôn. Càng làm nhiều, cày mạnh thì tiền sẽ nhiều thôi, không cần đặt mục tiêu.
Mà tôi có nguyên tắc, không được ai hỏi tôi muốn ăn gì. Hỏi như thế, tôi lại phải mất thời gian suy nghĩ nhiều. Mọi người mua gì tôi ăn nấy. Tôi cũng không cầu kỳ trang phục để đỡ phải mất thời gian chọn. Với tôi, kiếm nhiều tiền là điều quan trọng nhất ( giản dị nhất, đơn giản nhất, mộc mạc nhất, nhưng nhiều tiền nhất là được ). Tôi thấy cuộc sống của mình có quá nhiều động lực để phải kiếm tiền như muốn vợ con có một cuộc sống tốt đẹp, con cái được tiếp cận môi trường giáo dục quốc tế, bố mẹ, anh chị em trong gia đình có cuộc sống tốt hơn...Và phần quan trọng không kém là muốn những cộng sự, người anh em của mình có một môi trường phát triển không ngừng.
Với cương vị là người đứng đầu doanh nghiệp bất động sản, bên cạnh mục tiêu về kinh doanh, anh định hướng xây dựng văn hoá công ty như thế nào?
Tôi muốn tạo ra một môi trường không hẳn tốt nhất nhưng muốn là nơi có nhiều người giàu có nhất trong tương lai ( 6 tháng mua xe, 12 tháng mua nhà. Có nhân viên làm bằng 1/2 thời gian trên đã đạt được rồi ). Nhưng có tiền phải đi kèm với là một con người sâu sắc, sống tử tế. Một công ty có tính kỷ luật, có những nhân viên nhiệt huyết, cùng đoàn kết, phấn đấu. Tôi là người tình cảm, đặt cái tâm lên hàng đầu trước năng lực chuyên môn của nhân viên. Con người ta chuyên môn kém thì cuối cùng cũng sẽ tốt lên thôi. Nhưng sự tử tế và tâm huyết lại là điều làm nên một con người.
Có bao giờ anh từng nghĩ tới việc sẽ phải đắn đo khi một nhân viên không bán được hàng trong thời gian dài nhưng lại tâm huyết với công ty?
Tôi sợ nhất những nhân viên không bán được hàng cả năm mà vẫn kiên trì đi bán, theo đuổi nghề môi giới bất động sản. Bởi đó là người mà tôi tin sẽ thành công lớn sau này. 12 tháng đói ăn, không có đồng lương nào mà vẫn cầm cự, kiên trì được thì đúng là đáng sợ. Còn nhân viên nào bán được mà ở lại công ty thì đó là chuyện bình thường. Nói vậy nhưng công ty tôi chưa có trường hợp nhân viên nào như vậy, vì 1 thời gian chưa có kết quả là quản lý của tôi sẽ đào tạo, hỗ trợ và kèm cặp để ra được kết quả trong thời gian sớm nhất ngay lập tức.
LinkLand trong tương lai sẽ trở thành một công ty bất động sản như thế nào trong suy nghĩ của anh?
Tôi muốn LinkLand sẽ làm những dự án quy mô lớn hơn, ở nhiều thị trường, nhiều phân khúc hơn. Hiện tại, chúng tôi còn nhỏ bé và phải "cày" nhiều hơn nữa. Tôi không đặt mục tiêu rõ ràng cho công ty. Nhưng nhìn chung tôi thích, học cấp 2, không cần qua cấp 3, lên đại học luôn. Người làm với tôi cũng không đoán được mọi thứ vì tôi thích tạo ra một kết quả khiến người khác "phải bất ngờ".
Tôi mong nhân viên của mình, ai cũng sẽ có nhà, có xe, gia đình hạnh phúc, có tiền lo cho con cái đầy đủ. Tôi hi vọng sẽ tìm kiếm được những người công sự có tâm huyết, sống tử tế, sống có chí khí. Tôi tin vào doanh nghiệp muốn thu hút nhân tài thì quan trọng nhất là ông chủ. Người chủ phải có tham vọng lớn. Không phải doanh nghiệp nào cũng lớn ngay được, phải dần dần thế nên rất cần những người chung chí hướng. Tôi tin mình đang giữ lửa và truyền lửa cho nhân viên. Nhiều nhân viên bảo với tôi: "làm với sếp từ không máu tự dưng thành máu". Hy vọng tôi có thể tiếp tục truyền cho cảm hứng yêu công việc cho mọi người.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!