MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bồ Đào Nha ra luật mới: Sếp giao việc cho nhân viên ngoài giờ làm là phạm pháp, sẽ bị xử phạt

10-11-2021 - 16:14 PM | Sống

Bồ Đào Nha ra luật mới: Sếp giao việc cho nhân viên ngoài giờ làm là phạm pháp, sẽ bị xử phạt

Người sử dụng lao động sẽ còn phải trả các chi phí gia tăng do làm việc tại nhà như hóa đơn điện và Internet của nhân viên.

Mới đây, Bồ Đào Nha đã thông qua một điều luật mới nhằm mang lại cho người lao động của nước này sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn cũng như thu hút thêm nhiều lao động nước ngoài đến Bồ Đào Nha.

Cụ thể, điều luật mới quy định rằng người sử dụng lao động sẽ phải đối mặt với hình phạt nhất định nếu nhắn tin hay gọi điện giao việc cho nhân viên ngoài giờ làm việc. Bên cạnh đó, họ sẽ còn phải trả các chi phí gia tăng do làm việc tại nhà như hóa đơn điện và Internet của nhân viên. Tuy nhiên, hóa đơn nước lại không được thanh toán.

Luật này được thông qua vào ngày 5/11 trong bối cảnh hình thức làm việc tại nhà do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ngày càng trở nên phổ biến ở Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, điểm hạn chế của điều luật là chỉ áp dụng cho những công ty có nhiều hơn 10 nhân viên.

Một số điều luật khác cũng sẽ được áp dụng để hỗ trợ người làm việc từ xa, chẳng hạn như cấm người sử dụng lao động giám sát nhân viên tại nhà, đảm bảo người lao động gặp cấp trên 2 tháng/1 lần để mọi người không bị cô lập hay có cảm giác xa cách với nơi làm việc.

Những điều luật vừa được thông qua là tin vui lớn cho các bậc cha mẹ có con nhỏ ở Bồ Đào Nha. Giờ đây, họ có thể làm việc tại nhà thoải mái hơn mà không phải sắp xếp trước với cấp trên cho đến khi con của họ lên 8 tuổi.

Bồ Đào Nha ra luật mới: Sếp giao việc cho nhân viên ngoài giờ làm là phạm pháp, sẽ bị xử phạt - Ảnh 1.

Tuy nhiên, không phải điều luật nào cũng được Quốc hội Bồ Đào Nha thông qua. Ví dụ, "quyền ngắt kết nối" – quyền cho phép người lao động tắt hết các thiết bị hay ứng dụng phục vụ công việc ngoài giờ làm việc và ngày lễ, đã không được thông qua.

Ngày nay, nhiều nhà quản lý thường xuyên liên lạc với nhân viên qua email hay các ứng dụng nhắn tin sau giờ làm việc, vào cuối tuần và thậm chí là trong kỳ nghỉ lễ. Ở một số quốc gia/công ty, "quyền ngắt kết nối" đang trở thành một tiêu chuẩn mới.

Năm 2020, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã buộc nhiều công ty và tổ chức (tư nhân, nhà nước) phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa. Sự gia tăng của hình thức này có tác động tích cực và tiêu cực. Nó giúp duy trì hoạt động kinh doanh của công ty cũng như việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nó có thể xóa nhòa ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư của người lao động bởi nhiều công ty có xu hướng kiểm soát chặt chẽ hoạt động của nhân viên hơn hay "tranh thủ" giao thêm việc ngoài giờ làm việc cho họ.

Bộ trưởng Bộ Lao động và An sinh xã hội Bồ Đào Nha, Ana Mendes Godinho cho biết trong hội nghị công nghệ Web Summit ở Lisbon tuần trước: "Đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu điều chỉnh một số điều cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động đang phải làm việc tại nhà. Chúng ta có thể giảm thiểu những bất lợi của hình thức làm việc này để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại tốt hơn.

Chúng tôi coi Bồ Đào Nha là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới để người lao động nước ngoài lựa chọn làm nơi sinh sống, đặc biệt là dân du mục kỹ thuật số (người vừa tự do du lịch vừa kiếm tiền nhờ vào Internet). Chúng tôi muốn thu hút họ đến với Bồ Đào Nha".

Nguồn: Vice, ERP


Theo Mộc Tiên

Doanh Nghiệp & Tiếp Thị

Trở lên trên