Bộ GD-ĐT có “giải cứu” được 500 giáo viên sắp thất nghiệp?
Hơn 500 giáo viên huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có thể mất việc là thông tin mới được đưa ra gần đây. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT đã vào cuộc, tuy nhiên, việc “giải cứu” số GV nói trên là... bất khả thi.
Con số 500 GV thất nghiệp , sắp “ra đường” của huyện Krông Pắk gồm: 200 người vừa có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động do không thuộc diện phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017. Trên 400 GV hợp đồng sẽ tham gia tuyển dụng vào đầu tháng 4.2018 chỉ với 83 chỉ tiêu.
Như vậy, trong số trên 600 GV hợp đồng hiện nay sẽ có khoảng trên 500 người bị mất việc.
Đó là một con số đáng báo động, cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn cung đào tạo GV và nhu cầu thực tế. Nguyên nhân do học sinh ngày càng giảm, cơ hội tìm kiếm việc làm khó khăn, trong khi các trường sư phạm vẫn tuyển sinh, đào tạo và cho ra trường ào ạt.
Lãnh đạo huyện cũng vì nể nang và những tác động khác nhau, đã ký hợp đồng nhằm “tạo điều kiện” cho con em có việc làm, nên dẫn tới hậu quả hôm nay.
Việc ký hợp đồng ồ ạt bất chấp nhu cầu, chỉ tiêu dẫn đến tình trạng GV không đủ giờ dạy, thu nhập quá thấp, công việc bấp bênh, tâm lý chản nản, không còn chuyên tâm với nghề; ngân sách rất tốn kém.
500 GV là 500 gia đình, số phận, và còn gắn với nhiều người thân khác nữa. Việc đẩy số lớn GV như vậy “ra đường” sẽ tạo ra cú sốc lớn về mặt tinh thần cho những người đã có nhiều năm gắn bó, cống hiến cho giáo dục.
Tuy nhiên, cho dù Bộ GD ĐT hay các cơ quan chức năng có “vào cuộc”, thì việc chấm dứt hợp đồng với khoảng 500 GV là không thể cứu vãn. Việc tuyển dụng, ký hợp đồng với GV chỉ có thể được chấp nhận dựa trên chỉ tiêu được giao, phù hợp với nhu cầu thực tế, trên cơ sở cân đối với số lượng học sinh.
Không thể vì bất cứ lí do gì để tuyển dụng, ký hợp đồng với hàng trăm GV vượt ra ngoài biên chế, định mức. Không có ngân sách, nguồn lực nào kham nổi số lượng lớn lao động “ngồi chơi xơi nước”. Quy luật cung cầu trong thị trường lao động vốn khắc nghiệt, GV cũng không thể nằm ngoài.
Thiết nghĩ, cần có những giải pháp động viên, hỗ trợ các GV trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, như vay vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ giới thiệu việc làm… để những người này nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Một số GV khác, có thể tham gia giảng dạy ở các trường ngoài công lập, địa phương khác, hoặc chờ cơ hội tuyển dụng đợt sau.
Dù sao, đây cũng là bài học đắt giá trong việc dễ dãi trong tuyển sinh, đào tạo, ký hợp đồng đối với GV. Cần truy cứu trách nhiệm, xử lý một cách nghiêm túc những người liên quan, để chấm dứt hiện tượng tương tự.
Lao động