Bộ GD&ĐT ‘tuýt còi’ các địa phương tuyển thẳng học sinh vào lớp 10 trái quy định
Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu các địa phương có phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT thêm một số nội dung về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên như thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ IELTS không đúng quy định buộc phải điều chỉnh.
- 03-12-2023Nhiều địa phương 'chốt' phương án tuyển sinh lớp 10 năm 2024-2025
- 26-09-2023Nữ sinh lớp 10 bị 2 người phụ nữ "đánh hội đồng" trước cổng trường
- 10-07-202331 trường ở Hà Nội hạ điểm chuẩn vào lớp 10
Ngày 23/2, Bộ GD&ĐT có Công văn số 715/BGDĐT-GDTrH gửi UBND các tỉnh/thành phố về việc thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025.
Công văn nêu rõ, công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT được thực hiện theo văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và THPT số 03/VBHN-BGDĐT ngày 03/5/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong thời gian qua, hầu hết các địa phương đã thực hiện đúng quy định việc tuyển sinh vào trung học cơ sở, trung học phổ thông.
“Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 có thêm một số nội dung không đúng quy định về việc tuyển thẳng, chế độ ưu tiên (như giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ).
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn theo đúng quy định.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên phải điều chỉnh bảo đảm đúng quy định tại Điều 7 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT và thông báo công khai đến các đối tượng liên quan.
Chủ động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn.
Công văn cũng cho biết, trong năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại một số địa phương.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT được tổ chức theo một trong ba phương thức sau: Xét tuyển (dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh); Thi tuyển; Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Trách nhiệm của các Sở GD&ĐT là lập kế hoạch tuyển sinh, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, bao gồm các nội dung chính sau: địa bàn, phương thức, đối tượng, chế độ ưu tiên và tổ chức công tác tuyển sinh THPT.
Bộ GD&ĐT cũng quy định các đối tượng được tuyển thẳng gồm: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; Học sinh là người dân tộc rất ít người; Học sinh khuyết tật; Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tiền phong