MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bố già" Hàn Quốc dành 25 năm viết tiểu thuyết và dấu chân tại Việt Nam

12-12-2021 - 11:48 AM | Tài chính quốc tế

"Bố già" Hàn Quốc dành 25 năm viết tiểu thuyết và dấu chân tại Việt Nam

Ông Michael Kim là một trong không nhiều tỷ phú tự thân của Hàn Quốc mê làm từ thiện sau khi đạt được những thành tựu trong sự nghiệp kinh doanh của mình.

Những ngày đầu tháng 8/2021, tất cả các tờ báo lớn ở Hàn Quốc đều chạy dòng tít đậm ngay trang nhất về sự kiện một tỷ phú của xứ sở kim chi đã "xuống tay" hiến tặng món tiền khủng 26.5 triệu USD cho chính quyền thành phố thủ đô Seoul.

Số ngân sách khổng lồ này sẽ được sử dụng cho dự án xây dựng một công trình thư viện công cộng tọa lạc ở quận Seodaemun, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6/2023 và khánh thành đưa vào sử dụng vào tháng 10/2025.

Tỷ phú tự thân mê làm từ thiện

Không phải ngẫu nhiên khi giới truyền thông Hàn Quốc tỏ ra đặc biệt quan tâm đến sự kiện này khi mà việc làm từ thiện của các đại gia ở đất nước này vốn trở nên bình thường từ lâu nay. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ: Đây là lần đầu tiên món tài trợ phi lợi nhuận lớn về mặt giá trị như thế này được cho đi từ một nguồn quỹ cá nhân dành cho một công trình dân sự, khác với các nguồn tài trợ khác thường được "rót" ra bởi ông chủ của những tập đoàn gia đình khổng lồ có tuổi đời hàng thập kỷ - vốn được gọi là "Chaebol" ở Hàn Quốc.

Bố già Hàn Quốc dành 25 năm viết tiểu thuyết và dấu chân tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Michael Kim, Chủ tịch tập đoàn MBK Partners (bên phải) cùng Thị trưởng thành phố Seoul Oh Se-hoon trong buổi lễ ký kết tài trợ xây dựng thư viện công cộng diễn ra hồi tháng 8/2021. (Ảnh: MPK Partners)

Chính vì vậy, Thị trưởng thành phố Seoul Oh Se-hoon đã không tiếc lời khen tặng vị chủ tịch của một tập đoàn tiếng tăm của Hàn Quốc, và cho rằng, đây sẽ là một tấm gương điển hình tạo thêm niềm cảm hứng cho nhiều vị doanh nhân tỷ phú tự thân khác đóng góp cho xã hội.

Còn với ông Michael ByungJu Kim, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn MBK Partners thì lý do của việc sẵn sàng tài trợ tiền tỷ USD cho dự án thư viện nghe có vẻ đơn giản hơn nhiều.

"Tình yêu trọn đời với sách của tôi đã khiến tôi có thêm động lực để giúp tạo ra thêm những không gian cộng đồng nơi mà mọi người có thể đến để đọc sách", ông Kim nói. "Ước mong của tôi là thư viện sẽ trở thành một địa điểm yêu thích để bất cứ ai cũng có thể đến, đọc sách, trao đổi kiến thức, chia sẻ ý tưởng để cùng nhau xây dựng nên một cộng đồng tốt đẹp".

Chủ tịch Kim, thường được biết đến với danh xưng "Bố già của các tập đoàn đầu tư tư nhân ở châu Á", vốn là một tỷ phú có đam mê làm từ thiện từ lâu. Năm 2007, ông từng đóng góp tài chính để thành lập Quỹ học bổng MBK cung cấp các hỗ trợ tài chính cho sinh viên nghèo học giỏi với tổng số 155 sinh viên đã được cấp học bổng toàn phần cho đến thời điểm hiện tại.

Trước đó, ông Kim cũng đã quyên tiền để xây dựng một ký túc xá tại Haverford College (Mỹ) và cung cấp những hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu được thực hiện tại trường Kinh doanh Harvard.

Người biết tìm cơ trong nguy

Khi ông chủ của quỹ đầu tư tư nhân Michael Kim, nhà sáng lập của tập đoàn MBK Partners, rót vốn vào một dự án đầu tư mới vào tháng 11/2019, có vẻ như ông không hề hình dung được rằng, chỉ trong 2 tháng sau đó, thế giới mà mình đang sống sẽ trở nên hỗn loạn khi phải hứng chịu sự tấn công khủng khiếp của đại dịch COVID-19.

Thế nhưng, với những đầu óc của doanh nhân luôn "nhảy số" trong mọi tình huống và hoàn cảnh thì họ thường nhìn thấy "trong nguy có cơ". Ông Kim cũng đã hành động một cách nhanh chóng và quyết đoán. Ngay khi cả thế giới đang lao đao vì các lệnh lockdown của chính phủ thì ông cũng đã đóng cửa quỹ đầu tư thứ 5, cũng là quỹ đầu tư lớn nhất của MBK vào tháng 5/2020. Hành động này đã giúp ông thu hồi được 6.5 tỷ USD chỉ trong vòng 6 tháng. Với nguồn vốn thu hồi này, ông lại mang ra hỗ trợ các công ty tư nhân khác ở châu Á đang loay hoay tìm đường tồn tại sau 2 năm bị "chết lâm sàng" bởi COVID-19.

Hiện nay, tập đoàn MBK Partners của ông Kim có trụ sở chính tại Seoul (Hàn Quốc) đang quản lý hơn 22 tỷ USD vốn tài sản trên khắp Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, biến tập đoàn này trở thành doanh nghiệp đầu tư tư nhân lớn nhất châu Á với lĩnh vực hoạt động chủ yếu tập trung vào việc mua thôn tính (mua lại quyền kiểm soát của công ty - buyout).

Thật ra thì ông Kim đã có nhiều thành tích đáng tự hào từ trước đó. Kể từ năm 2005 khi MBK Partners vừa được thành lập, doanh nghiệp này đã thu lời bình quân gấp đôi trên mỗi USD đầu tư với tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) hàng năm là 18% trên cả 4 nguồn quỹ đầu tư của mình. Sự thành công trong đầu tư đã giúp ông Kim đang nắm giữ trong tay khối tài sản ròng trị giá 1.9 tỷ USD và đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng 50 người giàu nhất Hàn Quốc do Forbes thực hiện năm 2020.

Kế hoạch chiến lược hiện nay của MBK Partners là tập trung đầu tư vào những công ty cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở khu vực Bắc Á, như eHi - công ty cho thuê phương tiện vận tải lớn thứ 2 Trung Quốc, nhãn hiệu chocolate Godiva Nhật Bản và chuỗi bán lẻ giá rẻ Hàn Quốc Homeplus,...

"Hiểu đơn giản thì, bất cứ thứ gì liên quan đến khách hàng đều là đối tượng kinh doanh của chúng tôi", ông Kim nói, đồng thời cho biết ông đang ưu tiên tìm kiếm hỗ trợ những doanh nghiệp có dòng tiền mạnh, sở hữu thương hiệu tốt, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường hoặc được sự hậu thuẫn bởi các đại gia bất động sản.

Với danh sách 44 công ty trực thuộc, MBK Partners hiện đang tỏ ra đầy tự tin với tổng doanh thu khoảng 44 tỷ USD hàng năm, trở thành một trong 5 tập đoàn lớn nhất châu Á. Doanh nghiệp này hiện có hơn 370.000 nhân viên đang làm việc tại các văn phòng ở khắp châu Á.

Bố già Hàn Quốc dành 25 năm viết tiểu thuyết và dấu chân tại Việt Nam - Ảnh 2.

Thương hiệu chocolate nổi tiếng của Bỉ giờ cũng đã trở thành sở hữu của MPK Partners ở thị trường Nhật Bản. (Ảnh: ShutterStock)

Trong khi nền kinh tế thế giới vẫn chưa kịp phục hồi sau 2 năm đại dịch thì vị tỷ phú họ Kim 57 tuổi này đang nắm trong tay 6.5 tỷ USD vốn, chiếm 1/3 tổng vốn tài sản của MBK Partners. Đây được xem là thành tích đáng tự hào của ông Kim sau chặng đường gần 15 năm khai sinh tập đoàn này.

Mới đây, ông Kim cũng vừa cho xuất bản quyển sách đầu tay của mình, mà theo ông tiết lộ thì ông đã mất tới 25 năm để viết xong có tựa đề là "Offerings". Mặc dù đây chỉ là cuốn tiểu thuyết, tuy nhiên, theo ông Kim thì nó phản ánh cuộc đời của chính ông qua từng trang sách.

Sinh ra trong một gia đình khá giả và có truyền thống khoa bảng, ông Kim dành phần lớn tuổi thơ của mình ở Hàn Quốc trước khi bố ông gửi ông sang Mỹ vào năm 12 tuổi.

"Lúc ấy, tôi thậm chí tiếng Anh một chữ bẻ đôi cũng không biết", ông Kim nhớ lại. "Bố tôi muốn tôi được thụ hưởng một nền giáo dục tốt tại một xã hội cởi mở hơn Hàn Quốc những năm 1970".

Với ý định ban đầu là sẽ trở thành một phóng viên, ông Kim đã theo học và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân tiếng Anh tại trường Haverford College ở Pennsylvania. Nhưng sau đó, theo nguyện vọng của bố mình, ông đã rẽ hướng sang một lĩnh vực thực tế hơn, và lấy bằng MBA từ trường Kinh doanh Harvard vào năm 1990.

Khởi đầu bằng công việc làm thuê để học cách làm chủ

Ông Kim bắt đầu công việc đầu tiên của cuộc đời sự nghiệp trong vai trò nhân viên thu hồi nợ tại ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs, ban đầu là ở New York, sau đó được cử sang công tác tại văn phòng ở Hong Kong. Khi đến tuổi 31, ông quay trở lại Hàn Quốc và đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành tại Salomon Smith Barney Asia nơi ông đã có công giải quyết ổn thỏa món nợ 4 tỷ USD khiến Hàn Quốc suýt nữa thì rơi vào tình trạng vỡ nợ cấp quốc gia.

Bố già Hàn Quốc dành 25 năm viết tiểu thuyết và dấu chân tại Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Kim đã đạt được nhiều thành tựu trong công việc kinh doanh của mình. (Ảnh: (Ảnh: Jamel Topping/Forbes Asia))

Năm 1999, trong suốt giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á, ông gia nhập công ty đầu tư tư nhân Carlyle Group trên cương vị chủ tịch khu vực châu Á. Khi đó, ở tuổi 37, ông Kim nhanh chóng nắm bắt cơ hội có được từ khủng hoảng: thâu tóm ngân hàng KorAm Bank, nhà cho vay tài chính lớn thứ 6 ở Hàn Quốc thời bấy giờ nhưng đang lún sâu vào khoản nợ xấu hàng tỷ USD.

Sau 13 tháng với hàng loạt cuộc thương thảo phức tạp và căng thẳng, cuối cùng, ông Kim đã có thể mua được 37% cổ phần cùng một nhóm các nhà đầu tư khác, trong đó có Corsair, một nhánh của công ty đầu tư tư nhân JPMorgan. 4 năm sau đó, KorAm được sang tay cho Citigroup với giá 2.7 tỷ USD, gấp đôi so với giá trị ban đầu khi ông Kim bỏ tiền ra để mua lại. Đây cũng là thương vụ đình đám giúp ông Kim có cơ hội được xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Forbes Toàn cầu năm 2002.

Sau 6 năm toàn tâm toàn ý với tập đoàn Carlyle, ông Kim đã trở nên sẵn sàng cho sứ mệnh tạo dựng nên đế chế đầu tư cá nhân của riêng mình. Cùng với 5 đồng nghiệp cũ mà ông rủ rê tham gia cùng, ông Kim sáng lập nên MBK Partners và bắt đầu thực hiện thương vụ đầu tư đầu tiên, và công việc làm ăn cứ đi lên liên tục từ đó.

Thế nhưng với đại dịch COVID-19 thì các doanh nghiệp của ông Kim cũng không thể đứng bên ngoài tầm ảnh hưởng. Trong khi kế hoạch của ông Kim là dành 40% nguồn quỹ của mình để đầu tư vào thị trường Hàn Quốc và 60% dành cho 2 thị trường trọng điểm là Trung Quốc và Nhật Bản thì ông Kim vẫn không dám thờ ơ với các làn sóng COVID-19 mới luôn có nguy cơ xảy đến bất cứ lúc nào.

"Nếu các làn sóng COVID-19 cứ liên tục xảy ra thì chắc chắn tôi sẽ phải giữ chặt chiếc ví của mình và sẽ chỉ đầu tư vào những gì thật sự cần thiết mà thôi", ông Kim cho biết.

Nhà tỷ phú viết tiểu thuyết về cuộc đời của chính mình

Ông Kim cho biết, bản thân ông đã dành gần 25 năm để viết quyển sách có tựa đề "Offerings" kể về một nhà kinh doanh làm từ thiện.

"Tôi chưa hề có được một kỳ nghỉ dưỡng đúng nghĩa nào trong suốt 20 năm qua", ông Kim cho biết, và thú nhận rằng ông đã dành hết thời gian và tâm sức cho quyển sách bất cứ khi nào có chút thời gian rảnh. "Vì vậy, đây có thể xem là một sự thể hiện cho tình yêu của lao động". Ông cũng không quên nhắc đến vai trò và sự ảnh hưởng của bố mình trong quyển sách dày 280 trang này.

"Offerings" cũng là cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh đầu tiên được viết bởi một tỷ phú người Hàn Quốc. Cuốn tiểu thuyết này được xuất bản tháng 3/2020.

Bố già Hàn Quốc dành 25 năm viết tiểu thuyết và dấu chân tại Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Michael Kim với tiểu thuyết "Offerings" được viết trong suốt 25 năm, kể về cuộc đời của chính mình. (Ảnh:haverford.edu)

"Dấu chân" của MBK Partners tại Việt Nam

Là một trong những quỹ đầu tư vốn tư nhân lớn nhất châu Á, tất nhiên MBK Partners sẽ không bao giờ bỏ qua thị trường Việt Nam, một "miếng bánh" béo bở ở khu vực ĐNA.

Tháng 9/2019, MBK Partners đã tiến hành đàm phán với CJ CGV, đơn vị thành viên của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) hiện đang vận hành hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất cả nước với 76 cụm rạp và 448 màn hình.

Theo thống nhất thì MBK Partners sẽ được quyền ưu tiên mua cổ phần CJ CGV trong giai đoạn tiền IPO. HSBC là đơn vị cố vấn cho MBK Partners trong thương vụ này.

CJ CGV đưa ra đề nghị từ 20 - 30% cổ phần công ty, doanh nghiệp đang quản lý hệ thống rạp chiếu phim tại Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia... được định giá khoảng 1,25 tỷ USD. Sau khi IPO, CJ CGV cam kết sẽ niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (SPC).

Ngay từ phiên đấu giá tiền IPO, cổ phiếu CJ CGV đã trở nên nóng hừng hực khi thu hút sự chú ý của những "ông lớn" đầu tư vốn tư nhân như KKR & Co., Goldman Sachs và hai quỹ đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc là MBK Partners và Mirae Asset Daewoo. Kết quả cuối cùng cho thấy, MBK Partners là đơn vị đưa ra mức giá cao nhất.

Tháng 11/2019, trong một diễn biến tương tự, MBK Partners và ngân hàng đầu tư Mirae Asset Daewoo đã đồng ý mua 28.6% cổ phần của CGI Holdings Ltd. - là đơn vị sở hữu chuỗi rạp phim CJ CGV - một kế hoạch nằm trong chiến lược kiểm soát các hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.

Bố già Hàn Quốc dành 25 năm viết tiểu thuyết và dấu chân tại Việt Nam - Ảnh 5.

CJ CGV hiện đang vận hành hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất cả nước với 76 cụm rạp và 448 màn hình. (Ảnh: retailnews.asia)

Tuy nhiên, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, vẫn chưa có hành động mới nào thuộc kế hoạch đã lên trước đó được thực hiện tại Việt Nam. Có thể tình trạng "án binh bất động" này sẽ vẫn tiếp tục diễn ra thêm một thời gian nữa cho đến khi chính phủ cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và các hoạt động vui chơi giải trí được cho phép thực hiện bình thường trở lại.

Theo Nguyễn Thuận

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên