MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Giao thông ‘quản’ taxi truyền thống và Grab, Uber theo đề xuất mới

Sau khi họp với các doanh nghiệp, hiệp hội kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ GTVT tiếp tục đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó, quy định về quản lý taxi công nghệ và xe hợp đồng điện tử (như Uber, Grab...) tiếp tục gây chú ý với những đề xuất mới.

Xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ cũng phải có ‘mào’

Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 mới nhất ngày 11/4, Bộ GTVT tiếp tục giữ nguyên định nghĩa về xe taxi và xe hợp đồng như bản dự thảo hôm 3/4. Theo đó, xe taxi là ô tô dưới 9 chỗ, có đồng hồ tính tiền hoặc kết nối hành khách qua phần mềm, còn xe hợp đồng không theo tuyến cố định là sử dụng ô tô thực hiện hợp đồng vận chuyển với hành khách bằng văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử qua phần mềm.

Với định nghĩa này, theo các chuyên gia, vấn đề xếp loại hình vận tải sử dụng công nghệ như Uber, Grab… sẽ là taxi hay xe hợp đồng vẫn bị lẫn lộn, không rõ ràng.

Về điều kiện kinh doanh taxi, bản dự thảo mới đã có một số đề xuất chi tiết hơn, nhưng về cơ bản vẫn xem loại hình kinh doanh như Uber, Grab... là xe hợp đồng điện tử.

Cụ thể, xe taxi phải có phù hiệu “XE TAXI” dán trên kính xe và phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu của hộp đèn là 12 cm x 30 cm. Trong đó, với xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền trả cho hành khách…

Với taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (phần mềm tính tiền), trên xe phải có thiết bị kết nối với hành khách, tiền cước tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số. Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và đã thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định.

Giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu, gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi, tổng số và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách. Phần mềm phải chuyển hoá đơn chuyến đi về cơ quan Thuế; đơn vị kinh doanh taxi phải thông báo tới Sở GTVT địa phương về hình thức sử dụng là đồng hồ hoặc phần mềm.

Về xe hợp đồng, dù đã định nghĩa toàn bộ xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách là xe taxi, nhưng vẫn có loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ.

Theo đó, dự thảo quy định: Trường hợp xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 cm x 30 cm; phần mềm cũng phải cung cấp các thông tin như áp dụng với xe taxi điện tử (như quy định trên).

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện chuyển đi phải gửi thông tin tới Sở GTVT nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email).

Với quy định trên, loại hình kinh doanh vận tải điện tử như Uber, Grab, Emddi, Bee, Vato… có thể lựa chọn mình là taxi điện tử hoặc xe hợp đồng điện tử, nhưng về quy định áp dụng là gần như nhau. Đặc biệt, xe taxi điện tử phải có mào “TAXI”, còn xe hợp đồng điện tử phải có mào “XE HỢP ĐỒNG”.

Cuộc tranh cãi vẫn chưa dừng lại

Trước đó, tại cuộc họp góp ý cho dự thảo nghị định trên vào ngày 8/4, ông Văn Công Điểm, đại diện cho Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines (nhà đầu tư ứng dụng gọi xe VATO) cho rằng, nghị định này đã mất tới 3 năm soạn thảo, tốn nhiều thời gian, tiền bạc và nhiều tranh cãi. Nguyên nhân chính là do sự tranh cãi về phần mềm đặt xe dưới 9 chỗ, được xếp vào loại hình taxi hay xe hợp đồng.

Theo ông Điểm, ứng dụng công nghệ vào vận tải là tất yếu và công nghệ không làm thay đổi bản chất của hoạt động vận tải. Tuy nhiên, đây không phải và không thể là loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới.

“Chẳng lẽ khi ứng dụng công nghệ thì xe buýt, xe khách, xe du lịch đều chuyển sang gọi là xe hợp đồng điện tử, và chỉ duy nhất Việt Nam có loại hình kinh doanh hợp đồng điện tử?. Do đó, đề nghị xóa bỏ thuật ngữ xe hợp đồng điện tử”, đại diện Phương Trang nói. Đồng thời, đơn vị này góp ý về các quy định đề quản lý doanh thu, đảm bảo thu thuế đầy đủ với các loại hình vận tải, đặc biệt loại hình xe hơp đồng điện tử đang thí điểm.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng, phải khẳng định ngay, các app (ứng dụng) gọi xe loại hình dịch vụ vận tải bản chất là taxi thời 4.0. Do đó, ông Hùng cũng đề nghị tất cả những xe dưới 9 chỗ là taxi. “Grab đã thí điểm 4 năm rồi, có đủ để cơ sở để khẳng định đấy là taxi 4.0. Loại hình này có lợi lớn cho xã hội, cho người dân. Nhưng không nên tranh nữa”, ông Hùng nói.

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cũng nêu quan điểm, Uber, Grab không chỉ cung cấp phần mềm, còn điều tiết giá, tham gia vào thị trường vận tải hành khách… thì dứt khoát phải là doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Do đang ‘quá độ’ nên ông Thọ hy vọng các doanh nghiệp, người dân ủng hộ Bộ GTVT vì các quy định hiện chưa tuyệt đối đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, nhưng sẽ dần đảm bảo công bằng hơn.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên