Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu sớm bàn giao mặt bằng cao tốc Hoà Liên - Tuý Loan
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng vừa ký văn bản số 41/CĐ-BGTVT gửi UBND thành phố Đà Nẵng liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
- 22-10-2023Tăng trưởng 5% và những 'đòn bẩy' nào trong thời gian tới?
- 22-10-2023Chuyển từ tư duy "lương hưu đủ sống tối thiểu" sang "đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít"
- 22-10-2023Lệ phí cấp đổi chứng nhận đăng ký, biển số từ 22/10/2023
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, nhằm từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thành phố Đà Nẵng (dự án) và đã triển khai trong tháng 8/2023.
Để đưa dự án này vào khai thác trong năm 2025, đồng bộ với các dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2), Thủ tướng Chính phủ đã đưa dự án này vào các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông Vận tải, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) chỉ đạo nhà thầu huy động nhân sự, máy móc, thiết bị….để triển khai thi công đồng loạt; đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong thời gian qua, việc giải phóng mặt bằng của dự án đã được UBND thành phố Đà Nẵng quan tâm chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tại văn bản số 2599/BC-BĐHCM ngày 20/9/2023, tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật của địa phương triển khai chậm. Cụ thể, địa phương mới bàn giao mặt bằng thi công tuyến chính (chưa bao gồm đường gom, song hành) được 1,85km trong tổng 11,5km (tương đương khoảng 16,1% theo chiều dài và khoảng 10% theo diện tích), các đoạn còn lại đang trong quá trình thực hiện kiểm đếm, chưa áp giá, thẩm định, phê duyệt về xây dựng khu tái định cư, hiện địa phương mới phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế của 1 trong 3 khu, đặc biệt trong số này mới có 2 khu mới đang lấy ý kiến các đơn vị liên thống nhất vị trí xây dựng.
Về di dời hạ tầng kỹ thuật, hiện địa phương mới đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế. Việc chậm triển khai các công việc trong giải phóng mặt bằng (đặc biệt là các đoạn nền đào để điều phối đất sang nền đắp) làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành và chất lượng của dự án.
Để đảm bảo chất lượng, tiến độ, đưa dự án vào khai thác phát huy hiệu quả đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương và đơn vị có liên quan tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật; tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, sớm di dời để bàn giao mặt bằng sạch cho dự án trước 31/12/2023 để nhà thầu tập trung thi công.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo Ban Quản ký dự án đường Hồ Chí Minh cho hay, sau khi khởi công từ tháng 8 vừa qua nhà thầu đã huy động nhiều máy móc đến công trường. Tuy nhiên do khó khăn mặt bằng nên nhiều máy móc đang "nằm chơi", chủ đầu tư và nhà thầu đang rất sốt ruột. Chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu trong thời gian chờ mặt bằng, tập trung vào việc đúc khấu kiện, đúc dầm…..
Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành của thành phố Đà Nẵng để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật. Nếu mặt bằng không sớm được giải quyết, nguy cơ tiến độ bị chậm là hiện hữu.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với UBND Đà Nẵng giao Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng.
Với động thái mới nhất của UBND thành phố Đà Nẵng trong việc thúc tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan đó là thay Trưởng tiểu ban giải phóng mặt bằng của dự án này.
Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan có tổng chiều dài 11,5km. Điểm đầu của dự án tại km 66+000, vị trí tiếp giáp nút giao Hòa Liên (trùng điểm cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên vừa được đầu tư xây dựng tại km 66+00), thuộc địa phận xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Điểm cuối tại km 77+472, vị trí tiếp giáp nút giao Túy Loan (điểm đầu của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).
Dự án sẽ được đầu tư với quy mô, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m. Giai đoạn phân kỳ, đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 22m, bề rộng mặt đường 14m. Khổ cầu phù hợp khổ nền đường. Việc giải phóng mặt bằng thực hiện đảm bảo đủ phạm vi để mở rộng quy mô 6 làn xe theo quy hoạch và phù hợp quy hoạch đường gom hai bên đường cao tốc đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt. Tổng diện tích thu hồi đất gần 57ha. Với phương án trên, tổng mức đầu tư dự án gần 2.113 tỷ đồng. Riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 951 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh, nhà thầu thi công dự án này là liên danh Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty TNHH Một thành viên 17; trong đó,Tổng công ty xây dựng Trường Sơn là thành viên đứng đầu liên danh.
Báo tin tức