Bộ GTVT giải ngân được gần 90% vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020
Giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT được giao 161.000 tỷ đồng vốn trung hạn. Hiện đã giải ngân 143.000 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ giải ngân trung bình hàng năm là 88,8%. Đây là thông tin được đưa ra tại báo cáo Tổng kết công tác giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT.
- 24-12-20208 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được lựa chọn để rót vốn từ ngân sách giai đoạn 2021-2025
- 23-12-2020Các OTA Việt Nam đã làm gì để vượt qua 'phép thử' Covid-19?
Theo đó, riêng 11 tháng đầu năm 2020, kết quả giải ngân của Bộ GTVT ước đạt 32.103/ 39.826 tỷ đồng, bằng 80,6% so với kế hoạch và cao hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước (64,5%). Đến hết năm 2020, Bộ GTVT phấn đấu giải ngân tối thiểu trên 90% kế hoạch cả năm.
Nhờ vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) trong giai đoạn này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt là KCHTGT đường bộ với vai trò chủ yếu trong kết nối vùng miền và quốc tế. Giai đoạn 2011-2020 Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163km. Dự kiến mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 3.858km đường cao tốc, gồm 1.581km cao tốc Bắc - Nam và 2.116km cao tốc kết nối.
Bên cạnh đó, mạng lưới quốc lộ đạt 24.598km, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%. Nhiều quốc lộ trọng yếu như quốc lộ 1 được đầu tư mở rộng, nâng cấp toàn tuyến hoặc một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn.
Năng lực KCHTGT đường thủy nội địa cũng được nâng cao nhờ việc tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo một số tuyến tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, khu vực phía Bắc đã cải tạo 7/17 tuyến với chiều dài 945,5km (đạt 41%); miền Nam cải tạo được 9/18 tuyến với chiều dài 2.303,9km (đạt 67%); miền Trung đã cải tạo 1/10 tuyến với chiều dài 63,5km (đạt 13%).
Về hàng hải, hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với năng lực thông qua khoảng 570 triệu T/năm. Hai cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện đã có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000 tấn (DWT) đi thẳng bờ Tây nước Mỹ, Canada và châu Âu. Hệ thống cảng cạn từng bước phát triển, hỗ trợ hiệu quả cho việc khai thác cảng biển, phát triển dịch vụ logistics.
Về hàng không, nâng cấp các cảng hàng không quan trọng gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và xây dựng mới gồm Phú Quốc, Vân Đồn, nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm. Công nghệ điều hành bay hiện đại đảm bảo duy trì 22 năm liên tục không xảy ra tai nạn tàu bay có thiệt hại về người, tăng hiệu quả khai thác hạ tầng cảng hàng không.
Về đường sắt, Bộ đã nâng cấp cải tạo một số cầu yếu trên tuyến Bắc - Nam, gia cố sửa chữa các hầm trên đèo Hải Vân, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai giai đoạn 1, đưa vào khai thác đường sắt kết nối vào cảng Cái Lân… Mặc dù nguồn lực đầu tư phân bổ còn hạn chế nhưng lĩnh vực đường sắt đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao an toàn và rút ngắn thời gian tàu chạy.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng của Việt Nam liên tục tăng bậc, từ thứ 95/144 (năm 2011) lên thứ 79/137 (năm 2016), trong đó, chỉ số về chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ đứng thứ 92 (tăng 28 bậc), cảng biển đứng thứ 82 (tăng 31 bậc). Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với 2016.
Báo cáo chỉ ra, việc tập trung đầu tư phát triển KCHTGT có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, đồng thời phát huy thế mạnh của từng phương thức. Qua đó làm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung phát triển các công trình hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa, tập trung hoàn thành các dự án dở dang. Mục tiêu năm 2021, Bộ GTVT hoàn thành kế hoạch đầu tư công với số vốn dự kiến giải ngân là 46.005 tỷ đồng.