Bộ GTVT 'giục' 12 tỉnh bàn giao mặt bằng khởi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2
Hiện nay tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chậm, giá trị giải ngân tương đối thấp, có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ bàn giao mặt bằng để khởi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 cuối năm nay - Ảnh minh họa
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
- 09-11-2022Từng xếp thứ 9/10 về hút FDI trong khối ASEAN, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3 sau bao nhiêu năm?
- 08-11-2022Tận dụng lợi thế có 3 mặt giáp biển, địa phương này phát triển kinh tế biển ra sao?
- 04-11-2022Thành phố trực thuộc TW có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất
Văn bản nêu rõ: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư 12/12 dự án thành phần. Trong đó tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án do UBND các tỉnh tổ chức thực hiện.
Để tổ chức triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND các tỉnh đã giao các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đang triển khai đồng thời các công việc.
Nguy cơ chậm bàn giao mặt bằng
Tuy nhiên, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ: Theo báo cáo của các ban quản lý dự án (chủ đầu tư) dự án thành phần, hiện nay tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chậm, giá trị giải ngân tương đối thấp, có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 như yêu cầu tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ.
Hiện, Bộ GTVT đang chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tích cực triển khai hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần để khởi công vào cuối năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để công tác GPMB được triển khai bảo đảm tiến độ khởi công công trình, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh có dự án đi qua chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tập trung đẩy nhanh công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật,...; khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo từng đoạn, từng khu vực (ưu tiên các khu vực thuận lợi như đất công, đất nông nghiệp, khu vực dự kiến khởi công,...) để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án.
Bộ GTVT đề nghị trước ngày 15/11, các sở, ngành địa phương cần phối hợp với các Ban quản lý dự án: 2, 6, 7, 85, Đường Hồ Chí Minh; Mỹ Thuận; Thăng Long kiểm tra, rà soát đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đã bố trí cho công tác GPMB năm 2022, tổng hợp gửi Bộ GTVT để bổ sung vốn (nếu có).
12 gói thầu cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 khởi công cuối năm
Thời điểm hiện tại, các gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ GTVT xác định, dự kiến khởi công trong năm 2022.
Cụ thể, dự án đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi sẽ khởi công gói thầu số 1: Xây dựng đoạn từ Km 479+117,18-Km5 14+441,33. Đây là gói thầu duy nhất tại dự án thành phần này có chiều dài 35,32 km đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tổng mức đầu tư 6.044 tỷ đồng.
Tại dự án đoạn Hàm Nghi-Vũng Áng, trong hai gói thầu được chia, gói thầu số 1: Xây dựng đoạn từ Km 514+300-Km 544+300 dự kiến được khởi công trước. Phạm vi thi công gói thầu có chiều dài 30 km đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tổng mức đầu tư 4.456 tỷ đồng.
Trong hai gói thầu tại dự án đoạn Vũng Áng-Bùng, gói thầu đầu tiên dự kiến khởi công là gói số 2: Xây dựng đoạn từ Km 600+700-Km 624+228 (chiều dài 23,63 km) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tổng mức đầu tư 5.400 tỷ đồng.
Đối với đoạn Bùng-Vạn Ninh được chia làm hai gói thầu, dự kiến trong năm 2022 sẽ khởi công gói thầu số 2: Xây dựng đoạn từ Km 655+285,04-Km 674+556,65 (chiều dài 19,27 km) đi qua tỉnh Quảng Bình với tổng mức đầu tư 3.501 tỷ đồng.
Cùng có số lượng hai gói thầu, tại dự án đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ, gói thầu số 2: Xây dựng đoạn từ Km 655+285,04-Km 674+556,65 (chiều dài 32,53 km) dự kiến được khởi công đầu tiên. Phạm vi thi công nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với tổng mức đầu tư 3.476 tỷ đồng.
Với 3 gói thầu dự án đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, gói thầu số 1: Xây dựng đoạn từ Km 0+000-Km 30+000 (chiều dài 30 km) được dự kiến khởi công trước. Phạm vi thi công gói thầu qua tỉnh Quảng Ngãi. Tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.
Tại dự án đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn, trong hai gói thầu được phân chia, dự kiến, gói thầu số 1: Xây dựng đoạn từ Km 0-Km 23+500 (chiều dài 23,5 km) nằm trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ khởi công năm 2022. Tổng mức đầu tư của gói thầu này là 3.028 tỷ đồng.
Đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh (3 gói thầu) dự kiến sẽ khởi công gói thầu số 2: Xây dựng đoạn từ Km 24+900-Km 47+000 (chiều dài 22,1 km) đi qua tỉnh Phú Yên. Tổng mức đầu tư 3.055 tỷ đồng.
Đoạn Chí Thạnh-Vân Phong (2 gói thầu) dự kiến khởi công gói thầu số 2: Xây dựng đoạn từ Km 24-Km 48+052 (chiều dài 24,05 km) trên địa bàn tỉnh Phú Yên với tổng mức đầu tư 4.440 tỷ đồng.
Đoạn Vân Phong-Nha Trang (2 gói thầu) dự kiến khởi công gói thầu số 2: Xây dựng đoạn từ Km 337+500-Km 368+350 (chiều dài 30,85 km) đi qua tỉnh Khánh Hòa. Tổng mức đầu tư 3.549 tỷ đồng.
Đoạn Cần Thơ-Hậu Giang sẽ khởi công gói thầu duy nhất-gói thầu số 1: Xây dựng đoạn tuyến Km 15+350-Km 53+000 với chiều dài 37,65 km đi qua địa bàn hai tỉnh Cần Thơ và Hậu Giang. Tổng mức đầu tư 7.966 tỷ đồng.
Đoạn Hậu Giang-Cà Mau (3 gói thầu), dự kiến sẽ khởi công gói thầu số 1: Xây dựng đoạn tuyến Km 15+350-Km 53+000 với chiều dài 22,4 km đi qua hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau. Tổng mức đầu tư 3.835 tỷ đồng.
VGP