Bộ GTVT nêu lý do việc chuyển khoảng 650 km quốc lộ thành đường địa phương
Quốc lộ 2B đoạn qua xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN
Ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông trao đổi về việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xem xét điều chuyển khoảng 650 km một số đoạn, tuyến thuộc 97 quốc lộ trên toàn quốc thành đường địa phương.
- 19-08-2022Địa phương được PVN đề xuất đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ hơn 18 tỷ USD có gì đặc biệt?
- 18-08-2022Top 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng thu nhập bình quân trong 10 năm: Việt Nam xếp thứ mấy?
- 15-08-2022Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng so với thu nhập của Việt Nam ở mức nào so với các nước trong khu vực?
Liên quan đến việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xem xét điều chuyển khoảng 650 km một số đoạn, tuyến thuộc 97 quốc lộ trên toàn quốc thành đường địa phương, trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 19/8 về vấn đề này, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, việc rà soát trên chính là việc triển khai các nội dung trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về các tiêu chí để chuyển đường quốc lộ thành đường địa phương, ông Lê Hoàng Minh cho hay, những đoạn tuyến quốc lộ được xem xét điều chuyển về địa phương khi những đoạn tuyến này đã có những tuyến thay thế (tuyến tránh) hoặc hai quốc lộ chạy song song với nhau nhưng hiện chỉ cần sử dụng một tuyến. Khi đó sẽ điều chuyển đoạn tuyến quốc lộ này về địa phương quản lý.
Mặt khác, tại quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã phân ra 2 loại quốc lộ đó là những quốc lộ chính yếu và những quốc lộ thứ yếu. Vì vậy, những quốc lộ thứ yếu cũng có thể xem xét điều chuyển thành đường địa phương nếu đáp ứng các tiêu chí đưa ra.
Chia sẻ thêm về vấn đề phân cấp, phân quyền quản lý hệ thống đường, ông Lê Hoàng Minh cho hay, hiện Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng đề án phân cấp, phần quyền quản lý hệ thống đường. Nếu đề án này được thông qua khi đó, địa phương cũng có thể được phân cấp quản lý các quốc lộ.
Trước đó TTXVN đã đưa tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, một số địa phương đã thực hiện rà soát, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc đề nghị điều chuyển một số đoạn, tuyến quốc lộ thành đường địa phương.
Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Cục Quản lý Đường bộ khu vực, các Sở Giao thông vận tải tiếp tục rà soát để đề xuất điều chuyển các đoạn, tuyến quốc lộ không có trong quy hoạch, các đoạn quốc lộ có đường thay thế và các trường hợp khác để chuyển thành đường địa phương.
Cụ thể, tại Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhiều nội dung mới; trong đó đáng chú ý, quy hoạch sẽ chuyển khoảng 650 km quốc lộ thành đường địa phương.
Trong tổng 650 km thuộc 97 quốc lộ trên toàn quốc dự kiến chuyển thành đường địa phương thì vùng Trung du miền núi phía Bắc có 20 tuyến quốc lộ được chuyển thành đường địa phương với chiều dài hơn 66 km. Vùng đồng bằng sông Hồng có 23 tuyến, đoạn tuyến với chiều dài hơn 195 km. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 31 tuyến, đoạn tuyến với chiều dài hơn 184 km. Vùng Tây Nguyên có 2 tuyến, đoạn tuyến với chiều dài hơn 50 km. Vùng Đông Nam Bộ có 7 tuyến với chiều dài hơn 37 km. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 14 tuyến với chiều dài hơn 115 km.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, để hình thành mạng lưới quốc lộ thống nhất, phù hợp với các tiêu chí về tuyến quốc lộ và với thực tế quản lý, một số tuyến quốc lộ không đạt tiêu chí, nằm trong đô thị và các đoạn qua khu vực đô thị đã được xây dựng.
Báo tin tức