MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ GTVT phản ứng về Nghị định quy định “kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp”: Chồng chéo và trái luật

Trước sức ép thời gian ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD), các bộ đang chạy đua xây dựng nghị định nâng cấp ĐKKD. Nhìn từ phản ứng của Bộ GTVT đối với chất lượng của dự thảo Nghị định “quy định về kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp” do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng có thể thấy, rất nhiều bất cập sẽ nảy sinh do sự gấp gáp này.

Theo Bộ GTVT mặc dù, đây là Nghị định Quy định về dịch vụ đánh giá sự phù hợp nhưng không phù hợp với nhiều luật.

Không phù hợp với nhiều luật

Bộ GTVT đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ khẳng định chỉ riêng các lĩnh vực liên quan đến GTVT, nghị định nói trên đã không phù hợp với 6 luật. Không những vậy, những quy đinh về ĐKKD của Nghị định đã “lấn sân” sang các lĩnh vực chuyên ngành gây chồng chéo.

Theo cách hiểu của Bộ KH-CN, đánh giá sự phù hợp là lĩnh vực khá rộng, bao gồm hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, công nhận năng lực của phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định. Tuy nhiên, tại phụ lục 4, Luật Đầu tư quy định “kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp theo lĩnh vực khoa học công nghệ”. Do đó, theo Bộ GTVT, Nghị định trên đã không phù hợp với khoản 1, Điều 70, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cũng giao trách nhiệm quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực dịch vụ đánh giá sự phù hợp cho các bộ chuyên ngành.

Ngoài ra, Bộ GTVT còn cho rằng, Nghị định không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật Hàng hải VN…

Trong khi các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định về ĐKKD các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình quản lý thì Nghị định trên cũng ban hành ĐKKD chung đối với lĩnh vực dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Điều này sẽ gây nên sự chồng chéo và phát sinh mâu thuẫn giữa các nghị định của Chính phủ về ĐKKD.

Thực trạng “gia cố” thêm quyền lực của các bộ được thể hiện khá rõ trong Nghị định. Tại Điều 9 dự thảo Nghị định giao Bộ KH-CN có thẩm quyền cấp mới, bổ sung và cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đánh giá sự phù hợp (bao gồm: chứng nhận, thủ nghiệm, giám định, kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa); giao các bộ quản lý chuyên ngành có thẩm quyền cấp mới, cấp bổ sung và cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Như vậy, Nghị định đã mở rộng thẩm quyền cho Bộ KH-CN. Quy định cả Bộ KH-CN và bộ chuyên ngành cùng cấp “giấy phép con” đã tạo sự chồng chéo về trách nhiệm và thẩm quyền.

Xây dựng nghị định theo tiêu chuẩn “8 không”

Mặc dù, các bộ có gần 2 năm để rà soát, xây dựng và trình Chính phủ các nghị định về ĐKKD. Tuy nhiên, chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không lùi, hoãn tiến độ bãi bỏ các “ giấy phép con ”, các bộ, địa phương mới ồ ạt triển khai.

Ông Đậu Tuấn Anh – Trưởng ban Pháp chế VCCI cảnh báo, chính vì thời gian gấp gáp đến vậy nên các bộ đang xây dựng nghị định theo “tiêu chuẩn 8 không”: không đăng dự thảo lên mạng; không gửi lấy ý kiến DN; không tổ chức hội thảo; không đánh giá tác động của các văn bản quy định ĐKKD; không tổng kết thi hành; không kiểm soát thủ tục hành chính; không bản thuyết minh; không bản giải trình, tiếp thu ý kiến. Chính vì vậy, nhiều dự thảo nghị định không những không giúp cải thiện ĐKKD mà còn bị “cài cắm” thêm nhiều điều kiện mới.

Thời gian xây dựng nghị định càng ngắn thì chất lượng chắc chắn sẽ càng yếu. Chỉ nhìn vào dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp cũng có thể thấy, ngay chính các bộ với nhau cũng không đủ thời gian để góp ý kiến xây dựng. Nhiều bộ nhận được công văn xin góp ý kiến cho Nghị định nói trên từ Bộ KH-CN vào ngày 17/5/2016. Trong khi, Bộ KH-CN đề nghị các góp ý phải gửi về trước ngày 22/5/2016, nếu không coi như đã đồng ý với dự thảo. Góp ý của Bộ Xây dựng khá ngắn cũng phải gửi vào ngày 23/5 (quá hạn 1 ngày). Góp ý của Bộ GTVT đầy đủ hơn nên được gửi vào ngày 31/5… Rõ ràng về mặt thời gian, các góp ý trên đã không được Bộ KH-CN chấp nhận.

Nhận xét của Bộ GTVT về nghị định trên là không khả thi, khó kiểm soát và phát sinh thủ tục hành chính. Với quy trình xây dựng nghị định như vậy, những nhận xét của Bộ GTVT cũng là điều dễ hiểu.

Theo Bá Tú

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên