MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ GTVT: Tuyến BRT Bình Dương – Suối Tiên cơ bản không khác so với xe bus thông thường

27-02-2018 - 12:08 PM | Bất động sản

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Phát triển hạ tầng giao thông và tuyến xe buýt nhanh (BRT) thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên.

Theo quy hoạch, quy mô tuyến buýt nhanh nối thành phố Bình Dương và Suối Tiên dài 30,8 km, gồm 4 phân đoạn (đoạn 1 có điểm đầu từ khu vực bến xe miền Đông mới đến đường Mỹ Phước – Tân Vạn, dài 2,3 km; đoạn 2 đi trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn, dài 21,2 km; đoạn 3 đi trùng với đường Phạm Ngọc Thạch, dài 4,3 km; đoạn 4 đi trùng với đường nội đô thành phố mới Bình Dương, dài 3 km.

Dự án sẽ xây dựng cầu vượt tại 7 nút giao cắt dọc đường Mỹ Phước – Tân Vạn, trong đó có một cầu vượt qua ĐT 743A. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.827 tỷ đồng, trong đó vốn vay JICA (vốn vay ODA từ Nhật Bản) là 1.649, 6 tỷ đồng và vốn đối ứng của tỉnh là 177,4 tỷ đồng.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm kết nối thông suốt, rút ngắn hành trình giao thông giữa các trục giao thông đô thị của tỉnh Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai, đồng thời xây dựng mô hình điển hình về định hướng phát triển giao thông dọc theo tuyến Metro; góp phần gia tăng người sử dụng tuyến Metro số 1 TP.HCM (Bến Thành-Suối Tiên) thông qua thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng chất lượng cao và chuyển đổi phương thức giao thông cá nhân sang giao thông công cộng.

Dự án BRT là cơ sở để kéo dài tuyến Metro số 1 từ TP.HCM đến thành phố mới Bình Dương trong tương lai.

Khi đánh giá về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT cho rằng báo cáo này cơ bản đủ điều kiện để thực hiện thẩm định. Tuy nhiên, hồ sơ cần bổ sung thêm một số nội dung theo quy định như: Hồ sơ khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể GTVT tỉnh Bình Dương đến năm 2030 và định hướng đến năm 2030…

Bộ GTVT cũng nhận định rằng việc đầu tư xây dựng tuyến buýt nhanh tại Bình Dương là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ này lưu ý: tại một số đoạn đường BRT phải dùng chung với các phương tiện khác trên cùng làn đường và việc bố trí các trạm dừng BRT trên lề đường sẽ ảnh hưởng đến tốc độ xe chạy. Do đó, tuyến BRT về cơ bản không khác so với xe bus thông thường, khi triển khai giai đoạn nghiên cứu khả thi dự án cần đánh giá chi tiết hiệu quả đầu tư của dự án.

Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu rà soát lại về quy hoạch, tổ chức tuyến bởi Báo cáo sử dụng nguồn của Nhóm nghiên cứu JICA khảo sát từ năm 2012, cần cập nhật số liệu thực tế của các năm 2016, 2017. Trên cơ sở dữ liệu mới cần xác định rõ tốc độ quy hoạch của xe buýt BRT trong từng giai đoạn khai thác, tần suất chuyến trên cả hai chiều khai thác…

Dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2019, dự án từng được tỉnh đề nghị đổi tên, từ "Dự án phát triển hạ tầng giao thông và tuyến xe buýt nhanh thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên, tỉnh Bình Dương" thành "Dự án Cải tạo Hạ tầng Giao thông Công cộng tại tỉnh Bình Dương". Bộ GTVT cho rằng đề nghị đổi tên này là hợp lý nhưng tỉnh cần hoàn chỉnh lại hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án để trình Thủ tướng chấp thuận việc thay đổi tên và duyệt chủ trương đầu tư dự án.


Nam Phong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên