Bỏ học Bách Khoa đi khởi nghiệp, CEO BIN Corp Group: Thứ mình dư dả nhất là đam mê!
"Không phải ai khởi nghiệp cũng thành công, có nhiều doanh nhân thành đạt đã từng trải qua 3-4 lần thất bại, thậm chí là hơn. Do đó, điều đầu tiên là các bạn đừng sợ thất bại, thậm chí nhờ những thất bại, bạn mới có những kinh nghiệm "xương máu" và tìm ra hướng khởi nghiệp phù hợp nhất, tốt nhất cho mình", sếp Hùng Anh nhắn nhủ.
- 28-12-2021Chuyện chưa kể về Gucci: Hành trình Tom Ford "vực dậy" Gucci trước nguy cơ phá sản rồi tạo dựng thương hiệu hàng đầu thế giới của riêng mình
- 28-12-2021Thêm một hoa hậu chia sẻ về cách kiếm tiền bền vững từ chứng khoán: Không chạy theo những “tin đồn” mà tập trung tìm kiếm những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt
- 27-12-2021Từ bác xe ôm, bà nội trợ đến cô hoa hậu đầu tư khác nhau thế nào: Người dân hãy đầu tư chứ đừng "chơi" chứng khoán!
Hình ảnh CEO BIN Corporation Group – Lê Hùng Anh bắt đầu xuất hiện với tần suất dày đặc và gần gũi với hơn với công chúng kể từ khi ông ngồi “ghế nóng” chương trình “Whose Chance – Cơ hội cho ai?”, với phong cách gần gũi, tận tình, cũng rất chịu chi để chiêu mộ ứng viên.
Giống như nhiều doanh nhân khác, đằng sau hình tượng CEO quyền lực ấy đều là quãng thời gian khởi nghiệp đầy gian nan.
Sinh viên Bách Khoa nghỉ học đi làm
CEO Lê Hùng Anh sinh ra tại Quảng Nam, từng là sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Từ lúc còn là thanh niên từ Tam Kỳ (Quảng Nam) vào Sài Gòn trọ học, ông đã ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, với mong muốn có một công việc thu nhập tốt để lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình mình còn khó khăn. Đến năm thứ 2 của đời sinh viên, ông Lê Hùng Anh bắt đầu khởi nghiệp bằng những dự án như hệ thống dạy học trực tuyến, cửa hiệu Bác sĩ máy tính.
"Thời điểm đó, tôi nhận thấy vừa học vừa khởi nghiệp không mang lại hiệu quả như tôi mong đợi, do phải cáng đáng việc học, việc làm, chi phí sinh hoạt, ăn ở tại TP.HCM, cũng như theo đuổi đam mê khởi nghiệp. Vì vậy, tôi quyết định dừng việc học và tìm kiếm một công việc để trau dồi kinh nghiệm làm việc thực tế và học hỏi về nhiều mô hình kinh doanh khác nhau", sếp BIN Corporation Group nhớ lại.
"Khi tôi vào làm tại công ty may Nhà Bè ở vị trí nhân viên IT, may mắn thay, tôi được Sếp và Giám đốc chỉ bảo và hướng dẫn rất nhiều. Một thời gian sau đó, với động lực giúp đỡ gia đình và cho ba mẹ tôi có một cuộc sống tốt hơn, cũng như niềm đam mê khởi nghiệp cháy bỏng, tôi mạnh dạn thành lập công ty chuyên về hosting, dữ liệu doanh nghiệp, dịch vụ phụ trợ, hỗ trợ dịch vụ du lịch cùng 5 cộng sự đầu tiên. Đây cũng là công ty tiền thân của Tập đoàn BIN Corporation Group".
Cơ duyên khiến CEO Lê Hùng Anh lần lượt mở các mô hình kinh doanh mới cũng rất tình cờ. Đơn cử như sự ra đời của One IBC - một công ty chuyên tư vấn tài chính.
"Khi bắt đầu ký kết, giao dịch một số dịch vụ hỗ trợ visa du lịch cho khách với các công ty nước ngoài, tôi mới thấm thía sự thiệt thòi của doanh nghiệp Việt Nam. Bấy giờ, chúng tôi đã phải chịu nhiều khoản phí hết sức vô lý khi thanh toán thông qua dịch vụ ngân hàng. Xót của quá, tôi không chịu ngồi yên mà quyết định phải qua tận nơi xem họ làm như thế nào để mình tìm cách giảm bớt chi phí.
Tôi từng rong ruổi từ Hong Kong, sang Singapore, đến các quốc gia xa xôi thuộc châu Âu, châu Mỹ... Sau khi "mục sở thị" nắm rõ các thủ tục, giao dịch, thông lệ các nước, tôi quyết định thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài để giải quyết các vấn đề tài chính mà khi ấy trong nước mình còn vướng. Và nhờ có nó, tôi đã giải quyết nhanh gọn các thủ tục kinh doanh quốc tế.
Lúc tôi áp dụng thành công cho doanh nghiệp mình, tôi tự hỏi tại sao mình lại không mở dịch vụ này để hỗ trợ các công ty Việt Nam và cho các nước khác với chi phí hợp lý?".
Hiện các nhãn hàng One IBC hay DNBC tăng trưởng đều về cả số lượng khách hàng và doanh thu. Thậm chí một số khách hàng nước ngoài còn nhầm tưởng chủ sở hữu các nhãn hàng này là người bản xứ.
Khởi nghiệp: Thứ dư dả nhất là đam mê
Xuất thân là một người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, CEO BIN Corporation Group cho rằng thứ mình dư dả nhất chính là đam mê. Tuy nhiên, điều khiến khởi nghiệp vẫn có một lực hấp dẫn với ông và các bạn trẻ nói chung nằm ở khao khát thành công, thích chinh phục điều mới mẻ, dám đương đầu với những khó khăn.
"Không phải ai khởi nghiệp cũng thành công, có nhiều doanh nhân thành đạt đã từng trải qua 3-4 lần thất bại, thậm chí là hơn. Do đó, điều đầu tiên là các bạn đừng sợ thất bại, thậm chí nhờ những thất bại, bạn mới có những kinh nghiệm "xương máu" và tìm ra hướng khởi nghiệp phù hợp nhất, tốt nhất cho mình. Đương nhiên, trước khi làm điều gì các bạn phải có sự suy nghĩ, tính toán và sau đó là mạnh dạn bắt tay vào làm. Tôi rất thích năng lượng của tuổi trẻ và thậm chí là thà bạn thất bại lúc tuổi trẻ, bạn sẽ còn năng lượng và động lực để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.
Tôi thấy nhiều bạn trẻ startup chọn cho mình những lĩnh vực kinh doanh rất tiềm năng nhưng bỏ qua phương pháp tiếp cận nên tỷ lệ thành công không cao. Chìa khóa là ở phương pháp tiếp cận. Nếu bạn muốn mang một sản phẩm đến phục vụ thị trường Anh, Pháp hay Đức... thì trước hết bạn phải nắm rõ các đặc điểm văn hóa, thói quen, tính cách đặc trưng của vùng miền nơi mình cung cấp sản phẩm dịch vụ. Muốn vậy, không còn cách nào khác là chính mình phải tìm hiểu, dành thời gian đến tận nơi để sống thử, sinh hoạt như người dân bản xứ để trải nghiệm và bản thân sẽ rút ra được phương pháp kinh doanh dành cho thị trường mới. Bạn muốn xuất khẩu một chiếc áo ấm đến đất nước nào thì chính bạn phải trải nghiệm mùa đông nơi đó", ông nhắn nhủ tới người trẻ.
Doanh nghiệp và Tiếp thị