MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ học theo đuổi đam mê: Người đàn ông tạo ra giống cây "300 trong 1" độc nhất thế giới, đích thân tổng thống trao huân chương

18-03-2023 - 09:59 AM | Sống

Bằng đam mê của mình, người đàn ông đã tạo ra hàng trăm loại xoài mới có giá trị kinh tế cao chỉ bằng một cây xoài hơn 100 năm tuổi.

Mỗi ngày, Kaleem Ullah Khan, cụ ông hơn 80 tuổi người Ấn Độ thức dậy lúc bình minh, cầu nguyện, sau đó đi bộ khoảng hơn 1km đến cây xoài 120 tuổi của mình. Đây là cây xoài "thần kỳ" mà ông đã cố gắng cấy ghép hơn 300 giống xoài trong nhiều năm.

Bước chân của ông nhanh hơn khi đến gần và mắt ông sáng lên khi quan sát những cành cây qua cặp kính của mình, vuốt ve từng chiếc lá và ngửi quả để xem chúng đã chín chưa.

"Đây là phần thưởng của tôi sau bao thập kỷ làm việc cực nhọc dưới cái nắng như thiêu như đốt", người đàn ông 82 tuổi nói trong vườn cây ăn quả của mình ở thị trấn nhỏ Malihabad.

"Đối với mắt của người thường, nó chỉ là một cái cây. Nhưng nếu nhìn bằng tâm hồn của mình, thì nó không chỉ là một cái cây, mà là một vườn cây ăn trái và là tập hợp xoài lớn nhất thế giới."

Ông Khan bỏ học khi mới lớp 7, cũng là lần đầu tiên ông thực hiện những thử nghiệm đầu tiên trong việc ghép nối các bộ phận của cây xoài để tạo ra giống xoài mới.

Ông từng nghiên cứu trên một cây xoài để tạo ra bảy loại trái mới, nhưng nó bị đổ trong một cơn bão.

Nhưng kể từ năm 1987, niềm tự hào và niềm vui của ông là cây xoài 120 năm tuổi, hiện là "cây mẹ" của hơn 300 loại xoài khác nhau, mỗi loại có hương vị, kết cấu, màu sắc và kích cỡ riêng.

Một trong những giống sớm nhất mà ông đặt tên là "Aishwarya" theo tên ngôi sao Bollywood và người chiến thắng cuộc thi sắc đẹp Hoa hậu Thế giới năm 1994 Aishwarya Rai Bachchan. Cho đến ngày nay, cây xoài "300 trong 1" này vẫn là một trong những sáng tạo tuyệt vời nhất của ông.

"Quả xoài đẹp như nữ diễn viên. Một quả xoài nặng hơn 1kg, vỏ ngoài có màu đỏ thẫm và vị rất ngọt", ông Khan kể.

Những quả khác được ông đặt tên để vinh danh Thủ tướng Narendra Modi và anh hùng cricket Sachin Tendulkar. Một loại khác có tên là "Anarkali", hay hoa lựu, có hai lớp vỏ và hai lớp cùi khác nhau, mỗi lớp có một mùi thơm đặc trưng.

"Người đến rồi đi, nhưng trái xoài sẽ ở lại mãi mãi, và bao năm sau, mỗi khi ăn trái xoài Sachin này, người ta sẽ nhớ đến người anh hùng cricket", ông bố 8 con nói.

Loại trái cây nổi tiếng

Với chiều cao 9 mét, cây xoài quý giá của ông có thân mập mạp với những cành dày, xòe rộng mang lại bóng mát dễ chịu trước cái nắng mùa hè của Ấn Độ.

Những tán lá là một tập hợp các kết cấu và mùi khác nhau. Trên một số cành, lá có màu vàng và bóng, và ở những tán khác, chúng có màu xanh đậm, xỉn màu.

"Không có hai dấu vân tay nào giống nhau và không có hai giống xoài nào giống nhau. Thiên nhiên đã ban tặng cho xoài những đặc điểm giống như con người", ông Khan so sánh.

Phương pháp ghép cành của ông rất phức tạp. Đầu tiên cần cẩn thận cắt một cành từ một cây giống, để lại một vết thương hở để ghép một cành từ giống khác vào và cố định bằng băng keo.

Ông giải thích: "Tôi sẽ tháo băng ra khi mối nối trở nên cứng cáp và hy vọng rằng nhánh mới này sẽ sẵn sàng vào mùa tới và ra một giống mới sau hai năm".

Kỹ năng của ông Khan đã giúp ông giành được nhiều giải thưởng, trong số đó có huân chương Padma Shri dành cho công dân có nhiều cống hiến, do chính Tổng thống Ấn Độ Pratibha Devisingh Patil trao tặng hồi năm 2008. Ông còn được mời đến Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để trao đổi về việc trồng xoài.

"Tôi có thể trồng xoài ngay cả trong sa mạc," ông nói.

 Bỏ học theo đuổi đam mê: Người đàn ông tạo ra giống cây 300 trong 1 độc nhất thế giới, đích thân tổng thống trao huân chương - Ảnh 1.

Mối đe dọa khí hậu

Ấn Độ là nước sản xuất xoài lớn nhất, chiếm một nửa sản lượng toàn cầu. Malihabad, ở bang miền bắc Uttar Pradesh, có hơn 30.000 ha vườn cây ăn quả và chiếm gần 25% sản lượng cây trồng quốc gia.

Hầu hết thuộc sở hữu của các gia đình qua nhiều thế hệ, các vườn cây ăn trái là thiên đường của những người yêu thích xoài, với giống nổi tiếng nhất có thể là xoài Dasheri "tan chảy khi cắn", được đặt tên theo ngôi làng gần đó.

Nhưng những người nông dân đang lo lắng về biến đổi khí hậu, với đợt nắng nóng năm 2022 đã phá hủy 90% vụ mùa địa phương, theo Hiệp hội những người trồng xoài Ấn Độ.

Số lượng các loại giống cũng giảm và ông Khan cho rằng các kỹ thuật thâm canh và việc sử dụng tràn lan phân bón và thuốc trừ sâu rẻ tiền là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Ông cho biết những người nông dân cũng trồng quá nhiều cây xen kẽ với nhau, không còn khoảng trống để hơi ẩm và sương đọng lại trên lá.

"Gần đây tôi đã chuyển đến một ngôi nhà mới bên trong trang trại để gần gũi hơn với cái cây thân yêu của mình, nơi mà tôi sẽ tiếp tục làm việc cho đến hơi thở cuối cùng."

Theo Tất Đạt

Thể thao văn hóa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên