Bộ Kế hoạch và Đầu tư “kê thuốc” gì cho doanh nghiệp nhà nước?
Theo sự phân công của Chính phủ, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, cơ quan này đưa ra 4 mục tiêu cho tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
- 11-02-2016Bộ GTVT sẽ tiếp tục lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp ra sao?
- 27-06-2015ĐHĐCĐ Beton 6 (BT6): Thông qua hủy niêm yết nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp
- 03-05-2015Các giải pháp tăng tốc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
- 28-04-2015Vinaconex: Kế hoạch 2015 giảm nhẹ do chủ trương thoái vốn tái cơ cấu doanh nghiệp
Trong Dự thảo, Bộ đã đưa ra 4 mục tiêu cụ thể gồm: Giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà nước trong phần lớn doanh nghiệp có vốn; Giảm bớt các ngành nghề được quy định nhà nước cần nắm giữ đa số cổ phần; Thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề nhà nước cần nắm giữ số cổ phần trên 50%; Và nâng cao hiệu quả kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước vượt qua mức hiệu quả trung bình ngành mà doanh nghiệp hoạt động.
Trong giai đoạn này, Bộ đề ra chiến lược cải cách mạnh mẽ khu vực DNNN theo hướng giảm sự tham gia vào các ngành, lĩnh vực có tính cạnh tranh cao, khu vực tư nhân có thể đảm nhận.
Nhà nước chỉ tập trung vào một số ngành, lĩnh vực then chốt mang tính dẫn dắt có tác động thúc đẩy phát triển toàn bộ nền kinh tế mà khu vực tư nhân chưa có khả năng hoặc không muốn tham gia.
Áp dụng quản trị hiện đại đối với các DNNN và tăng cường quản lý, giám sát các doanh nghiệp này thông qua đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và giám sát đối với đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Bộ cũng đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tại DNNN và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2017.
Về luật, Bộ đề nghị ban hành Luật thúc đẩy cổ phần hóa DNNN nhằm luật hóa các quy định về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ra khỏi doanh nghiệp, bao gồm: cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy cổ phần hóa, lộ trình cổ phần hóa, mức độ thoái vốn và thời gian thực hiện đối với từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là về định giá doanh nghiệp, xử lý tài chính, công nợ, đất đai, chế độ đối với người lao động,… và ngăn ngừa thất thoát tài sản.
Bộ cũng đề xuất xây dựng tiêu chí và tiến hành phân loại từng DNNN vào các nhóm: (1) công ích, (2) quốc phòng, an ninh và (3) thương mại thuần túy, để từ đó xây dựng tiêu chí đánh giá hoạt động và phương thức quản lý phù hợp đối với từng doanh nghiệp, tách bạch giữa nhiệm vụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích và nhiệm vụ kinh doanh.
Theo đó, cơ quan này yêu cầu đảm bảo thực hiện nguyên tắc mỗi DNNN phải có mục tiêu, nhiệm vụ, tiêu chí đánh giá rõ ràng, công khai, đáp ứng đầy đủ và hợp lý những yêu cầu của Nhà nước, người dân, các bên lợi ích liên quan và của nền kinh tế đối với doanh nghiệp để làm căn cứ giám sát, đánh giá.
Ngoài ra, Bộ còn đề xuất việc áp dụng đẩy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ tốt của kinh tế thị trường đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích bảo đảm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác.
Minh bạch hóa hoạt động đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước. Tổ chức xây dựng và công bố báo cáo thường niên về hoạt động đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước.