Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng phê duyệt dự án metro số 3 gà Hà Nội - Hoàng Mai
Dự án truyến đường sắt đô thị số 3 từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai sẽ có tổng chiều dài là 8,7km với tổng vốn đầu tư lên đến 40 nghìn tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề xuất dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai với tổng chiều dài lên đến 8,7km. Thời gian thực hiện dự kiến là từ năm 2023 - 2028.
Về cơ bản, tuyến metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai là đoạn kéo dài của tuyến đường sắt đô thị số 3 từ Nhổn đến ga Hà Nội và sử dụng chung hệ thống cơ điện, hệ thống vé, thông tin tín hiệu, khai thác hoạt động và vận hành bảo dưỡng của tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Về tổng quan dự án, tuyến đường sắt sẽ được đi ngầm toàn bộ theo hành lang có tuyến phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh. Ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đống Mác (vành đai 1), Mai Động (vành đai 2) và kết thúc phía sau Vành đai 3 với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở), 1 khu lập tàu (phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở).
Về nguồn vốn thực hiện dự án sẽ bao gồm 2 nguồn vốn chính. Đầu tiên là vốn vay từ các tổ chức tài trợ nước ngoài bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Phát triển Pháp (AFP) là 1.478,68 triệu USD (khoảng 34.231 tỷ đồng). Cụ thể, dự án sẽ vay từ ADB 940,8 triệu USD; KfW 305,08 triệu USD; AFD 232,8 triệu USD.
Nguồn vốn còn lại sẽ là vốn đối ứng được trích từ nguồn ngân sách thành phố, trị giá 6.346 tỷ đồng, tương đương 274,1 triệu USD. Qua đó, tổng mức đầu tư là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tuyến số metro số 3 là trục hành lang nối khu vực phía Tây với trung tâm thành phố và với khu vực phía Nam thành phố, thu hút lượng hành khách là 488.000 hành khách/ngày năm 2020.
Sau khi hoàn thành, tuyến metro số 3 sẽ kết nối các khu vực dân cư lớn của Hà Nội là khu đô thị Từ Liêm, khu đô thị các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và khu đô thị mới quận Hoàng Mai. Từ đó, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do phát triển giao thông gây ra cho trung tâm Hà Nội.