Bộ LĐ-TB-XH đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7
Mức lương tối thiểu vùng đề xuất cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu của người lao động
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết qua đánh giá, các mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP (thực hiện từ 1-7-2022) đã bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; góp phần mở rộng độ bao phủ của tiền lương tối thiểu đến những nhóm lao động làm việc linh hoạt, bán thời gian mà trước đây chưa được bảo vệ; phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh vừa trải qua thời gian dài bị tác động bởi đại dịch; hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi thị trường lao động, ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay có một số vấn đề đặt ra cần phải xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu. Cụ thể, các yếu tố về kinh tế - xã hội, thị trường lao động, khả năng của doanh nghiệp năm 2023 có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn so với năm 2022. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 5,05%.
Thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Sản suất - kinh doanh của doanh nghiệp có xu hướng tốt hơn; tiền lương, thu nhập của người lao động tiếp tục ổn định và tăng lên, quý sau cao hơn quý trước.
Bên cạnh đó, giá trị thực tế của mức lương tối thiểu tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng tăng (CPI). Với dự kiến CPI năm 2024 tăng 4% - 4,5% thì mức lương tối thiểu nêu trên sẽ không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào nửa cuối năm 2024 (thấp hơn khoảng 4%).
Mức lương tối thiểu hiện được xác lập theo vùng và gắn với địa giới hành chính cấp huyện, nhưng đến nay một số địa bàn áp dụng lương tối thiểu đã không còn phù hợp do có sự thay đổi về địa giới hành chính (đổi tên, thành lập mới, nhập, giải thể) sau khi thực hiện sắp xếp lại theo các
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc có sự thay đổi về điều kiện cơ sở hạ tầng, thị trường lao động, chính sách thu hút đầu tư… cần phải rà soát, cập nhật.
Ngoài ra, từ ngày 1-7-2024, tiền lương khu vực công sẽ tăng nên cần có sự điều chỉnh mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp để bảo đảm tương quan chung.
Từ những lý do trên, trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia sau kỳ họp diễn ra vào ngày 12-1-2024, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng 6% so với mức hiện hành, áp dụng từ ngày 1-7-2024.
Với việc điều chỉnh này, mức lương tối thiểu tăng từ 200.000 đồng - 280.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện nay. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2024 và dự kiến cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025 (tính trước một phần CPI của năm 2025 vào mức sống tối thiểu để người lao động được hưởng ngay từ giữa năm 2024).
Người lao động