Bộ LĐ-TB-XH nói gì về mức tăng lương tối thiểu cho người lao động năm 2024?
Trong tháng 5-2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) sẽ hoàn thiện Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
Tại phiên họp vào ngày 20-12-2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu và chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động với mức tăng bình quân 6% từ ngày 1-7-2024, cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực công.
Với sự điều chỉnh này, lương tối thiểu tháng ở Vùng I sẽ tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280.000 đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000).
Lương tối thiểu vùng theo giờ Vùng I tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ; Vùng II tăng từ 20.000 đồng/giờ lên 21.200 đồng/giờ; Vùng III tăng từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ; Vùng IV tăng từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.
Để chính sách tăng lương tối thiểu vùng thực sự có hiệu quả, vừa qua cử tri đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khi thực hiện tăng lương thì đồng bộ các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.
Trả lời kiến nghị nêu trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp do người lao động và người sử dụng lao động quyết định, dựa trên cơ sở thương lượng, thỏa hiệp giữa hai bên. Nhà nước chỉ quy định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, làm công việc đơn giản không bị trả lương quá thấp.
Mức lương tối thiểu do Chính phủ quyết định và công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia và được điều chỉnh dựa trên các yếu tố như: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng; tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung - cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Căn cứ quy định của Bộ Luật Lao động và phương pháp theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã xác định mức sống tối thiểu của người lao động để đảm bảo cho họ có thể chi trả được các khoản phí cơ bản nhất về chi phí lương thực, thực phẩm; chi phí đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng tối thiểu cho giáo dục, y tế, nhà ở…; chi phí nuôi con, được xác định trên quy mô hộ gia đình Việt Nam 4 người, trong đó mỗi người lao động nuôi được 1 con.
Trên cơ sở phương pháp đã nêu, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã xác định mức sống tối thiểu của người lao động và rà soát, cập nhật định kỳ 2 năm/lần, theo kết quả điều tra mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê công bố (2 năm/lần).
Mức điều chỉnh được tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, tình hình kinh tế - xã hội, có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, đảm bảo duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong tháng 5-2024 phải hoàn thiện Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Báo Người lao động