Bộ LĐ-TB&XH đề xuất trang bị mới 93 xe chuyên dùng
Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc khi đề xuất được trang bị ô tô chuyên dùng phải báo cáo làm rõ cơ sở pháp lý, mục đích sử dụng.
Đây là cơ sở để Bộ LĐ-TB&XH thoả thuận với Bộ Tài chính nhằm phê duyệt, trang bị cho các đơn vị. Trước đó, các cục, vụ, viện, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất được trang bị 122 xe chuyên dùng, trong đó mua sắm mới thêm 93 xe, giá từ 1 đến 3,6 tỷ đồng/xe tuỳ loại. Kinh phí mua xe sẽ lấy từ ngân sách nhà nước với đơn vị vẫn do ngân sách nhà nước cấp hoặc tự chủ 1 phần; đơn vị đã tự chủ chi tiêu hoàn toàn sẽ tự đảm bảo kinh phí mua xe. Với đơn giá bình quân mỗi xe khoảng 1,5 tỷ đồng, tổng kinh phí mua xe chuyên dùng theo đề nghị của các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH là gần 140 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Quang Phụng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo đề xuất của các đơn vị, bộ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính thoả thuận về việc trang bị xe chuyên dùng. “Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị làm rõ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý để đề xuất được định mức và mua sắm xe chuyên dùng. Sau đó, chúng tôi sẽ tổng hợp để gửi xin ý kiến Bộ Tài chính, và trình Thủ tướng phê duyệt”.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cũng lưu ý, theo Nghị định 04/2019 quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô, với xe chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc thù tại các bộ, ngành sẽ do Thủ tướng quyết định.
“Có những nhiệm vụ đặc thù của đơn vị phải trang bị xe, nhưng không phải xe nào cũng có dấu hiệu nhận biết riêng, như chống buôn lậu. Do đó, mua sắm xe chuyên dùng phải căn cứ theo yêu cầu đặc thù công việc, quy định liên quan, và phải được Thủ tướng phê duyệt. Xin là chuyện của các đơn vị xin, còn để được trang bị xe chuyên dùng phải theo quy định”, lãnh đạo Cục Quản lý Công sản nói.
Tiền phong