MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ lỡ 3 nhân tài này, Lưu Bị nuối tiếc cả đời: Người thứ nhất tài ngang Gia Cát Lượng

20-12-2021 - 22:40 PM | Sống

Nếu giữ được những người này, có lẽ Kinh Châu sẽ không mất, Lưu Bị có khả năng thống nhất thiên hạ. Rốt cục, 3 nhân tài là những ai?

Trong Tam Quốc, Lưu Bị là vị quân chủ của một trong ba tập đoàn chính trị mạnh nhất. Lưu Bị được cho vừa là hậu duệ của hoàng thất nhà Hán, vừa là người nêu cao hình tượng nhân nghĩa và luôn quý trọng nhân tài.

Trên thực tế, nhờ hoài bão phục hưng Hán thất, cùng với việc luôn chiêu nạp hiền tài, Lưu Bị đã có được rất nhiều nhân tài nổi danh thời Tam Quốc đi theo.

Về tướng lĩnh, Lưu Bị có Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu… Về mưu sĩ, Lưu Bị có được những kỳ tài bậc nhất thời Tam Quốc như Gia Cát Lượng, Bàng Thống và Pháp Chính.

Tuy nhiên, vị quân chủ của Thục Hán vẫn bỏ lỡ nhiều người tài giỏi vào tay Tào Tháo. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến ông mất Kinh Châu, u uất mà sinh bệnh rồi qua đời khi sự nghiệp phục hưng Hán thất vẫn chưa thành.

Dưới đây là 3 nhân tài khiến Lưu Bị nuối tiếc cả đời vì từng bỏ lỡ.

Nhân tài thứ nhất: Trần Quần

Bỏ lỡ 3 nhân tài này, Lưu Bị nuối tiếc cả đời: Người thứ nhất tài ngang Gia Cát Lượng - Ảnh 1.

Trần Quần được coi là nhân tài không hề thua kém Gia Cát Lượng.

Trong số 3 nhân tài mà Lưu Bị từng bỏ lỡ, tài năng của Trần Quần có thể coi là mạnh nhất, thậm chí còn không hề thua kém Gia Cát Lượng, tể tướng của nhà Thục Hán.

Trần Quần (? – 236), tự Trường Văn, là người ở quận Dĩnh Xuyên, huyện Hứa Xương. Trần Quần xuất thân trong "Dĩnh Xuyên Trần thị", một gia tộc nổi tiếng từ cuối thời nhà Đông Hán tới nhà Ngụy, nhà Tấn. Gia tộc của ông có nhiều nhân vật nổi tiếng như Trần Thật, Trần Kỷ, Trần Kham...

Xuất thân từ danh môn vọng tộc, ngay từ khi còn nhỏ, Trần Quần nổi tiếng là người thông minh xuất chúng. Ông cũng có người bạn là nhân vật nổi tiếng đương thời, đó là Khổng Dung (hậu nhân của Khổng Tử), một vị quan của nhà Đông Hán.

Khổng Dung vốn nổi tiếng học giỏi, có tài, nên ngay cả Tào Tháo cũng bị ông coi thường. Tuy nhiên, Khổng Dung lại rất coi trọng Trần Quần. Điều này có thể cho thấy tài năng của Trần Quần không hề tầm thường.

Khi Lưu Bị đến đóng ở Tiểu Bái (thuộc đất Dự Châu), ông cho mời Trần Quần tới làm Biệt giá. Đến năm 194, sau khi Tào Khiêm qua đời, Lưu Bị được nghênh đón để nhậm chức ở Từ Châu.

Tuy nhiên, ban đầu, Trần Quần đã đứng ra can ngăn rằng, Viên Thuật vẫn còn đang mạnh, nay nếu về đông thì ta tất phải giao chiến với họ. Hơn nữa, Lã Bố nếu như tập kích ở phía sau thì dẫu Lưu Bị có được Từ Châu thì đại nghiệp tất không thành được.

Khi ấy, Lưu Bị không nghe theo lời khuyên này, ông vẫn cùng Viên Thuật giao chiến. Kết quả đúng như Trần Quần dự đoán, bấy giờ Lã tập kích Hạ Bì, chiếm Từ Châu và còn phái binh đến giúp Viên Thuật đại phá quân của Lưu Bị.

Bấy giờ Lưu Bị hối hận không nghe lời khuyên của Trần Quần thì đã quá muộn. Sau đó, Trần Quần cũng rời bỏ Lưu Bị.

Đến năm 199, sau khi Tào Tháo đánh bại Lã Bố, Trần Quần bắt đầu đầu quân cho vị quân chủ của Tào Ngụy.

Đến năm 213, sau khi nước Ngụy thành lập, Trần Quần được thăng lên làm Ngự sử Trung thừa. Đến năm 220, sau khi Tào Tháo qua đời, Trần Quần tiếp tục phục sự cho Tào Phi (sau trở thành Ngụy Văn Đế).

Năm 226, khi Ngụy Văn Đế ốm nặng, Trần Quần cùng với Tư Mã Ý, Tào Chân làm phụ chính cho thái tử Tào Duệ (sau là Ngụy Minh Đế). Dưới thời Ngụy Văn Đế, Trần Quần từng giữ nhiều trọng trách trong triều như Dĩnh Âm hầu, Lục thượng thư sự...

Năm 236, Trần Quần qua đời sau gần 40 năm cống hiến cho nhà Tào Ngụy. Với những đóng góp to lớn của mình, ông được coi là công thần khai quốc của Tào Ngụy.

Nhân tài số 2: Trần Đăng

Bỏ lỡ 3 nhân tài này, Lưu Bị nuối tiếc cả đời: Người thứ nhất tài ngang Gia Cát Lượng - Ảnh 2.

Trần Đăng là nhân tài văn võ song toàn từng được Lưu Bị, Tào Tháo trọng dụng.

Trần Đăng (169 – 208), tự Nguyên Long, nổi danh là một trong số ít nhân tài văn võ song toàn vào cuối thời Đông Hán. Tài năng của ông từng được nhiều người thừa nhận như Đào Khiêm, Lưu Bị, Tào Tháo...

Sử sách đánh giá Trần Đăng là một người thông minh, đọc qua nhiều sách vở và có nhiều ý kiến nhận định về thời cuộc rất sâu sắc.

Trần Đăng từ nhỏ đã nuôi chí lớn. Đến năm 25 tuổi, ông được cử làm Hiếu liêm và sau đó đề bạt lên chứng Huyện trưởng huyện Đông Dương. Khi nạn đói ập tới, thứ sử Từ Châu là Đào Khiêm đã bổ nhiệm ông làm Điển nông giáo ý. Đây là chức quan phụ trách chăm lo cho việc phát triển nông nghiệp.

Nhờ những đóng góp của ông, người dân nơi đây thu được vụ mùa bội thu. Từ đó, con đường làm quan của ông cũng ngày càng rộng mở.

Sau khi Đào Khiêm qua đời, Trần Đăng hỗ trợ cho Lưu Bị khi đó về phụ trách Từ Châu. Nhờ có tài năng của mưu sĩ tài giỏi như Trần Đăng, Lưu Bị mới yên tâm nắm giữ lấy Từ Châu. Đây cũng được coi là một trong những thành tích ban đầu trong thời gian đầu xây dựng sự nghiệp của Lưu Bị. Tuy nhiên, đến năm 196, Lã Bố đánh bại Lưu Bị, chiếm được Từ Châu, Trần Đăng cùng một số người khác cũng bị ép trở thành thuộc hạ của Lã Bố.

Do không ưa cách hành xử của Lã Bố, nên Trần Đăng đã hiến kế cho Tào Tháo, giúp vị quân chủ này đánh bại được Lã Bố.

Cũng chính nhờ chiến công này, Trần Đăng được Tào Tháo phong làm Phục Ba tướng quân và sau trở thành Thái thú Quảng Lăng (đây là khu vực giáp với Giang Đông – Dương Châu).

Chính vì chuyện này mà Trần Đăng đang phục vụ dưới quyền của Lưu Bị lại trở thành thuộc hạ của Tào Tháo.

Đây thực sự là điều đáng tiếc cho Lưu Bị khi bỏ lỡ một người văn võ song toàn như Trần Đăng.

Nhân tài số 3: Từ Thứ

Bỏ lỡ 3 nhân tài này, Lưu Bị nuối tiếc cả đời: Người thứ nhất tài ngang Gia Cát Lượng - Ảnh 3.

Từ Thứ từng là vị quân sư rất được Lưu Bị trọng dụng trong buổi đầu gây dựng sự nghiệp.

Từ Thứ, tự Nguyên Trực, người quận Dĩnh Xuyên, và là nhân tài thứ ba mà Lưu Bị bỏ lỡ. Ông kết bạn với Gia Cát Lượng. Ban đầu, Từ Thứ làm mưu sĩ cho Lưu Bị, sau đó nương nhờ Tào Tháo và trở thành đại thần nhà Tào Ngụy.

Trong thời gian làm mưu sĩ cho Lưu Bị, Từ Thứ rất được trọng dụng. Ông từng hiến kế giúp vị quân chủ này đánh bại được quân Tào và chiếm Phàn Thành.

Sau đó, Từ Thứ cũng chính là mưu sĩ tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị. Ban đầu Lưu Bị bảo Từ Thứ dẫn Gia Cát Lượng tới gặp mình. Tuy nhiên, Từ Thứ khuyên Lưu Bị nên đích thân đi gặp Gia Cát Lượng. Sau ba lần bái phỏng lều trang, cảm động trước thành ý của Lưu Bị, Gia Cát Lượng quyết định xuống núi phò tá vị quân chủ này.

Đến năm 208, tại trận Trường Bản, Tào Tháo đánh bại Lưu Bị. Khi đó, Từ Thứ dẫn theo gia quyến cùng bỏ chạy với Lưu Bị. Tuy nhiên, khi tới Đương Dương – Trường Bản thì quân Tào đuổi kịp. Mẹ của Từ Thứ lúc đó đã rơi vào tay quân Tào.

Để cứu mẹ, Từ Thứ khi đó buộc phải rời bỏ Lưu Bị, đầu quân cho Tào Tháo. Sau này, ông còn làm tới chức quan Ngự sử trung thừa.

Có thể nói, việc để vuột mất một mưu sĩ tài ba như Từ Thứ là một tổn thất lớn cho Lưu Bị. Chỉ riêng việc Từ Thứ tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị là có thể thấy tài năng của ông như thế nào.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu

Theo Minh Hằng

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên