"Bộ mặt thật" sau cú sụt giảm gần 30 điểm của VN-Index ngày 17/01/2018
Động thái "rút bớt củi" của UBCK đang bị coi là tác nhân khiến thị trường giảm mạnh, nhưng thực tế VN-Index đã tăng không mệt mỏi mà chưa có một phiên điều chỉnh thực sự.
Đã lâu rồi nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam mới gặp phiên giảm điểm mạnh như ngày hôm qua (17/01/2018). Khi sĩ khí vẫn chưa nguội thì việc VN-Index bất ngờ bị "đánh úp" cuối giờ và bay mất gần 30 điểm tương đương 2,7% khiến nhiều người không kịp trở tay. VN-Index đã áp sát mốc 1.100 điểm và theo một CTCK thì chỉ số kỹ thuật đã vào vùng "cực hạn" chưa từng có khiến thị trường trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết.
Do đó, đề xuất tăng tỷ lệ ký quỹ cho vay margin từ 50% lên 60% của Ủy ban chứng khoán Nhà nước được gọi là động thái "rút bớt củi" khiến cái lò bớt nóng nhưng đã khiến thị trường hạ nhiệt quá nhanh khi các công ty chứng khoán bán mạnh cổ phiếu để "trả trạng thái margin" trước khi ngày 17/01 – ngày cuối cùng lấy ý kiến về văn bản trên - kết thúc.
CTCK VPBS đánh giá, dù dự thảo mới chưa có hiệu lực cũng như chỉ áp dụng cho các hợp đồng mới thì các CTCK cũng cần có động thái tự điều chỉnh nghiệp vụ, từ đó đưa tới áp lực bán mạnh hơn để đáp ứng tỷ lệ mới. Bên cạnh đó, tỷ lệ ký quỹ cao hơn cũng khiến sức hấp thụ của dòng tiền hiện tại yếu đi khá nhiều chưa kể đến dòng tiền mới đã chạm đến ngưỡng cân bằng trong ngắn hạn.
Theo thống kê từ các công ty chứng khoán lớn trên thị trường, có 192 cổ phiếu có quy mô vốn hóa từ 1.000 tỷ trở lên được cấp margin 5:5, chiếm 77% quy mô vốn hóa toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam. 151/192 cổ phiếu trong đó đã tăng giá từ đầu năm đến nay và có 51/192 mã tăng trên 10%, nhiều cái tên đang tăng nóng như VCB, HPG, MSN…
Chính vì thế, việc thị trường điều chỉnh trong hoàn cảnh này là điều bình thường, tuy nhiên chính sách margin mới đã khiến sự "điều chỉnh" trở nên mạnh hơn nhiều so với dự báo.
Tuy nhiên, có thể thấy sự lạc quan vẫn thể hiện rõ nét trong giới đầu tư khi dòng tiền mới đang mong mỏi thị trường điều chỉnh để "vào hàng". CTCK VPBS đánh giá, sự hoảng loạn không diễn ra trên HNX và đợt điều chỉnh này thiên về yếu tố kỹ thuật do sự điều tiết cân bằng lại nghiệp vụ margin ở các CTCK chứ không phải do yếu tố xấu đối với thị trường hay nền kinh tế.
CTCK Rồng Việt cho rằng phiên điều chỉnh mạnh này có thể chỉ là kết quả từ việc chốt lời sau chuỗi thời gian tăng trưởng nóng vừa qua và khó có thể xem là dấu hiệu khởi đầu đà đi xuống của thị trường khi giá trị giao dịch vẫn ở mức rất cao tại 8.667 tỷ đồng và chưa có tin tiêu cực nào đủ để ảnh hưởng lên thị trường trên diện rộng.
"Những phiên điều chỉnh như hôm nay là cơ hội để các nhà đầu tư có thể mua được cổ phiếu tốt với giá rẻ trước khi thị trường quay lại đà tăng trưởng để chinh phục ngưỡng lịch sử 1170 điểm trong năm nay" – VDSC đánh giá.
Ông Phạm Văn Tuyến – Giám đốc môi giới của CTCK KIS Việt Nam nhận định, một yếu tố nữa gây nên cú sốc 30 điểm của phiên ngày 17/01 là do tác động của việc chốt hợp đồng phái sinh vào ngày 18/1. Có thể một số tổ chức đã tạo áp lực bán cổ phiếu trụ để VN30 giảm, nhằm thu lời từ phái sinh.
Về chính sách margin mới, ông Phạm Văn Tuyến cho rằng đây là chính sách tốt vì triển vọng trung dài hạn của thị trường. Theo ông Tuyến, điều này không hạn chế việc tiền vào thị trường vì tỷ lệ margin cũng chỉ tập trung ở nhiều mã lớn, cơ bản và có kết quả kinh doanh tốt. Trong khi đó nhiều CTCK ký hợp tác 3 bên và sử dụng các nghiệp vụ cấp margin khá đa dạng nên việc ảnh hưởng đến lượng margin hay cung tiền ra thị trường là không nhiều.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, có thể tóm gọn "bộ mặt" đằng sau cú giảm điểm mạnh nhất trong vòng 1 năm qua bởi 3 lý do: (1) Thị trường đã tăng quá nhanh và mạnh mà chưa có một phiên điều chỉnh thực sự, (2) Tác động kép từ chính sách mới của UBCKNN và (3) Ảnh hưởng của việc hợp đồng tương lai VN30F1801 đáo hạn ngày hôm nay.
Tuy nhiên, điểm quan trọng là tâm lý nhà đầu tư đã vững vàng hơn rất nhiều trước những cú sụt giảm thế này và khối ngoại vẫn đang là yếu tố hỗ trợ tích cưc cho dòng tiền đổ vào thị trường.