Bố mẹ Công Phượng: Chỉ cần con vui, những thứ khác không quan trọng
Với nhiều người, bóng đá là con đường để đổi đời, mở ra vinh hoa. Nhưng bố mẹ Nguyễn Công Phượng không có suy nghĩ ấy. Với họ, bóng đá chỉ là niềm vui, là nụ cười của con.
- 27-01-2019Bầu Đức, hãy để cho Công Phượng một lần được ngẩng đầu trước những Quang Hải, Văn Hậu!
- 25-01-2019Công Phượng bất ngờ tiết lộ lý do chưa sang châu Âu thi đấu trên báo Ả Rập
Nếu nghĩ rằng cầu thủ được bù đắp cho việc thiếu thời gian bằng dư thừa tiền bạc, và họ đắm mình trong cuộc sống giàu sang, bạn đã nhầm.
Khi tôi đến nhà Nguyễn Công Phượng, bà Hoa - mẹ anh, vừa từ sườn đồi trở về, vẫn đang lúi húi bên chuồng gà. Rồi bà tất tả ngược xuôi, ném thêm nắm rau vào chuồng lợn, ngó lại đàn chó để chắc chắn chúng đã ăn no, sau đó vo nắm chè xanh để cho vào bình ủ.
Nhiều năm qua, Công Phượng đã trưởng thành vượt bậc. Cậu bé ngây thơ ngày nào nay đã là chàng trai 24 tuổi phong trần và điềm đạm. Với các chiến tích liên tiếp, từ giải U23 châu Á, ASIAD 2018 đến AFF Cup và mới đây là Asian Cup, Phượng cũng nhận được sự yêu mến, ngưỡng mộ của cả nước.
Thế nhưng không có đổi thay nào được nhìn thấy ở gia đình Công Phượng. Ngôi nhà khang trang mà họ đang sống được xây từ năm 2014, khi Phượng mới 20 tuổi. Vào lúc ấy, nhiều người nhầm tưởng rằng đó là do sự nổi tiếng của ngôi sao Hoàng Anh Gia Lai mang lại.
Một phần căn nhà cũ của Công Phượng. Ảnh: Vĩnh Yên
Thật ra không phải, mà là kết quả của thời gian dài lao động cật lực của cả nhà. Ông Bảy, bà Hoa, vào những lúc nông nhàn lại biến thành thợ xây, phụ hồ. Trong khi các anh chị của Phượng, những người từ lâu đã phải vào Nam làm thuê. Tất nhiên cũng có một phần đóng góp của Phượng trong đó. Nhưng không nhiều. Bởi thu nhập của anh không khủng như người ta tưởng.
Song bố mẹ Phượng không bao giờ phiền muộn vì điều đó. Việc không phải lo lắng thấp thỏm dưới căn nhà cấp bốn dột nát mỗi khi mưa bão đối với họ đã là cả hạnh phúc. Hơn nữa, bây giờ gia đình đã bớt cơ cực để không còn nằm trong danh sách hộ nghèo. Họ không hình dung ra cuộc sống nào khác tốt hơn.
Bởi ngay từ đầu, khi bà Hoa chở Phượng trên con đường 17 cây số từ làng Vồng Vổng đến Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Đô Lương để tập luyện, hay lúc ông Bảy, trong hành trình dài 20 tiếng ngồi trên xe khách đưa con tới Gia Lai, đều không mơ về ánh hào quang của một ngôi sao bóng đá.
Cả hai chỉ nghĩ đến điều duy nhất: được thấy con vui. Họ đã rất đau khổ khi cậu con trai Công Khoa mất. Và càng đau khổ hơn trước sự suy sụp của Công Phượng, cậu bé vì nhớ anh đã không thiết tới trường, thậm chí còn nảy sinh ý định vào Nam cùng anh chị làm thuê.
Vào lúc bấy giờ, với những gia đình khá giả, việc bố mẹ sẵn lòng ủng hộ đam mê của con cái không phải cái gì đó gây kinh ngạc. Nhưng 15 năm trước, trong điều kiện kinh tế ngặt nghèo, rất nhiều người cảm thấy khó hiểu khi bà Hoa, ông Bảy làm hết sức mình chỉ để Phượng sống với tình yêu trái bóng tròn.
"Ở đây nào đã có cầu thủ nổi tiếng, hay giàu lên nhờ bóng đá. Vì vậy không ai muốn con mình theo nghiệp bóng banh. Họ cũng không cho chúng chơi, nên Phượng chỉ có một mình, đánh bạn cùng trái bóng. Biết sao được, Phượng đam mê quá, nên gia đình cố gắng thỏa mãn đam mê của con", bà Hoa kể lại.
"34 cây số cả đi cả về trong mỗi lần đưa Phượng đi tập cực lắm chứ", bà nói tiếp, "Nhiều lúc cũng tủi thân, khi hai mẹ con xiêu vẹo trên chiếc xe đạp, mà đường thì mịt mùng, hai bên đồng không chỉ có gió thổi vào những hôm mùa đông lạnh giá. Nhưng nghe tiếng Phượng ríu rít bên tai, kể về những lần được thầy khen, hay tâng bóng được 20 lần liên tiếp, tôi lại quên hết khó nhọc".
Bây giờ, dĩ nhiên bà rất đỗi tự hào khi cậu con trai gày gò nay đã thành tài, trở thành tuyển thủ quốc gia và ghi bàn làm rạng danh đất nước. Sau đó, mỗi khi trở về lại mang theo một tấm huy chương, hay chiếc Cúp để làm phong phú thêm chiếc tủ trưng bày kỷ vật. Với bà, chỉ vậy là đủ.
Cả một đời khổ sở kiếm từng đồng nuôi con ăn học và theo đuổi ước mơ, bà Hoa, cũng như ông Bảy đồng thời cũng biết mặt trái của đồng tiền. Thế nên bà nào có đòi hỏi con phải mang về thật nhiều tiền. Thay vào đó, chỉ luôn nhắc nhở Phượng, "phải cố gắng nghe lời thầy, tập luyện chăm chỉ và thi đấu thật tốt vì màu cờ sắc áo". Bà sẽ rất hạnh phúc nếu khi trở về sau mỗi giải đấu, đó vẫn là Phượng của bà, hiền lành và chất phác.
Thật may là Phượng vẫn luôn như thế. Chàng trai làng Vồng Vổng chưa bao giờ sống như một ngôi sao và luôn tìm cách tránh xa mọi cám dỗ. Những năm trước Phượng vẫn phải ra đồng, cùng bố mẹ gặt lúa hay phơi thóc. Thời gian gần đây anh mới "được miễn" công việc đồng áng. Nguyên nhân vì phải thi đấu liên miên nên Phượng hiếm có ngày nghỉ. Và nếu về, anh cũng không còn được tự do như trước bởi sự quan tâm, đôi khi thái quá từ người hâm mộ.
Khi về nhà, Phượng luôn phải tìm cách để ít người biết nhất có thể, hoặc vào buổi tối hay trùm mũ kín. Ấy thế mà thông tin vẫn bị lộ, dẫn đến các cuộc tiếp đón kéo dài bất tận.
Ngay những lúc Phượng thi đấu, khoảnh sân trước nhà đã luôn chật ních người. Và mỗi lần Phượng về, nhà như có hội. Bà Hoa vui vẻ kể: "Mọi người ở khắp nơi đổ đến, với mong muốn được chụp ảnh, xin chữ ký, thậm chí chỉ đơn giản là được bắt tay và nói vài câu gì đó với Phượng. Nên thành ra, về nhà nghỉ nhưng Phượng nào có được nghỉ, đến bữa còn không ăn nổi một bát cơm, bởi cứ phải tiếp khách luôn luôn. Mà Phượng thì không muốn ai phải thất vọng".
Chắc chắn rồi, trước đây cũng như sau này, Phượng sẽ không làm ai thất vọng. Bởi chàng trai này không có áp lực kiếm tiền. Với anh, cũng như trong hình dung của bố mẹ anh, bóng đá chỉ đơn giản là niềm vui, và nụ cười.
Trí thức trẻ