Bố mẹ muốn con hạnh phúc hay thành công? Tiến sĩ Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu có chia sẻ cực thấm!
Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Stanford đã nói về sai lầm của nhiều cha mẹ vì mong muốn con thành công mà vô tình bỏ qua hạnh phúc ở thì hiện tại của đứa trẻ…
- 06-12-20225 dấu hiệu cho thấy trẻ thông minh, cha mẹ nên có hướng giáo dục phù hợp
- 05-12-2022CEO LinkedIn: Không bằng cấp cũng chẳng sao, đây mới là điều quan trọng hàng đầu nhà tuyển dụng tìm kiếm
- 04-12-2022Nếu con bạn mắc phải 4 thói quen xấu này thì có học ngày học đêm, điểm số vẫn lẹt đẹt
- 03-12-2022Một ngành học đang phát triển, sinh viên ra trường được coi trọng và có nguồn thu nhập ổn định
Cha mẹ thường hay tự hào khoe thành công của con như một niềm hạnh phúc của đời mình, nhưng hạnh phúc của chính con thì đôi lúc cha mẹ quên. Dù bản chất, cha mẹ nào cũng mong muốn con mình được thành công và hạnh phúc. Tuy nhiên, trong lúc chinh phục giấc mơ “con giỏi giang và thành công” họ đã quên mất những niềm vui bé mọn như gần gũi con cái và có khi vô tình “tước đoạt” hạnh phúc hiện tại của con mình.
Trước vấn đề này, trường Olympia School đã tổ chức Talk Show với 2 chuyên gia khách mời, nhằm trả lời câu hỏi nhiều cha mẹ quan tâm “Để con hạnh phúc hay thúc trẻ thành công”. Dịch giả, họa sĩ, nhà văn Trịnh Lữ và Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đã có những chia sẻ từ trải nghiệm và hiểu biết của mình giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn nhiều chiều hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu là tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Stanford/ Thủ khoa MBA tại Đại học Oxford/ Học bổng Eisenhower Fellowship/ Giám đốc học thuật Trường PTLC Olympia.
TS Nguyễn Chí Hiếu: "Cha mẹ hãy dành nhiều hơn thời gian để "sống" với con mình"
TS Nguyễn Chí Hiếu có nói một câu của tác giả Jean-Jacques trong cuốn Emile: “Hạnh phúc chỉ đơn giản là bạn quản trị sự chênh lệch giữa kỳ vọng và năng lực”. Trong khi năng lực của đứa trẻ chỉ đến thế này thôi nhưng kỳ vọng của cha mẹ thì ở mức luôn cao hơn.
“Thay vì nghĩ rằng cần điều chỉnh kỳ vọng và nâng cao năng lực đứa trẻ để gặp nhau ở điểm giữa nào đó, thì phần lớn những người mà Hiếu tiếp xúc sẽ nghĩ: “Đây là kỳ vọng của tôi, và tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để đứa trẻ nó chạm đến kỳ vọng của tôi”. Và Hiếu nghĩ phần lớn những mâu thuẫn, những vất vả, trăn trở của người lớn và trẻ con đến từ vấn đề đó. Thay vì nghĩ là chúng ta sẽ nâng cao năng lực của đứa trẻ như thế nào, nên nghĩ là kỳ vọng của chúng ta nên như thế nào để phù hợp với từng đứa trẻ một”, TS Hiếu nói.
Và muốn như vậy theo TS Hiếu thì cha mẹ cần dành thời gian để hiểu con mình. Cha mẹ có thể giúp con phát triển năng lực nhưng không phải là làm mọi cách để đẩy con bằng mọi giá đến kỳ vọng của mình mà quên không để ý đến cảm nhận của con.
TS Hiếu có sự so sánh về giai đoạn thuở nhỏ của động vật ngắn hơn nhiều so với giai đoạn tuổi thơ của con người. Là vì động vật cần thời gian thuở nhỏ ngắn để phát triển sức mạnh về thể chất. Nhưng giai đoạn tuổi thơ của loài người thì kéo dài, có khi là 6 năm đến tận 8, 9, hay 10 năm, bởi vì con người sẽ không phát triển nhanh về mặt thể chất, mà cần thời gian phát triển nhanh về mặt xã hội, là những mối quan hệ với ông bà, hàng xóm, bố mẹ, anh chị em, thầy cô…
Trong khi xã hội tiến lên, nhiều cha mẹ lại quên không dành thời gian cho con tương tác với các mối quan hệ xã hội hay dành thời gian cho những cuộc hội thoại, những cái ôm giữa mình và con.
“Hơi buồn là “một số” trong chúng ta lại thiết kế để dần dần một đứa trẻ bớt đi những mối quan hệ xã hội, tập trung chạy theo những thước đo về học thuật và năng lực nhiều hơn. Điều đó đi ngược lại với bản chất sự khác nhau giữa loài người với những loài động vật khác. Chính vì vậy, giờ có rất nhiều đứa trẻ giỏi tiếng Anh, STEM, Robotics, hay là Tin học... nhưng có một cái mà tụi trẻ thiếu bây giờ ấy chính là sự hạnh phúc từ những mối quan hệ xung quanh nó”, TS Hiếu nói.
Talk show "Để con hạnh phúc hay thúc trẻ thành công" do Olympia School tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh.
Chúng ta cần “tém lại” những thứ về chuẩn học thuật, không cần thúc trẻ quá sớm. Cân bằng giữa những thứ chúng ta muốn theo đuổi về mặt học thuật và mối quan hệ xã hội, đó mới là điều cha mẹ cần.
TS Hiếu phân tích có rất nhiều đứa trẻ có những thành tích đáng nể, nhưng lại chưa đủ thời gian để phân tích, chắt lọc một thái độ sống, quan điểm sống hay một hệ giá trị của mình. Vì vậy mới có những học sinh vào trường đại học hàng đầu, nhưng chơ vơ và lạc lõng ở trường đại học do không thể hòa nhập. Đó là do sự mất cân bằng giữa năng lực, kỹ năng sống, thái độ sống do cha mẹ đã thúc con thành công trong bảng điểm, kiến thức mà quên mất phần thành công của con trong cuộc sống.
Tiến sĩ Hiếu kể chuyện khi dạy học sinh, anh hay hỏi “Con ơi, con có bạn thân nào trên trường không?”, hoặc là “Ở nhà con có nói chuyện với bố mẹ không? Ai là người mà con có thể tỏ bày tâm sự?”, hay là “Trên lớp có thầy cô nào mà con có thể tâm sự?”. Và khi đứa trẻ trong mỗi hoàn cảnh, có ít nhất một người để có thể tỏ bày tâm sự thì đối với anh đó là thành công và đó là hạnh phúc đối với đứa trẻ.
Chính vì vậy, anh muốn cha mẹ hãy dành nhiều hơn thời gian để "sống" với con mình. Anh lấy một câu nói để thức tỉnh các vị phụ huynh: "Cha mẹ thường đốt cháy cả tuổi thơ của đứa trẻ để mua sự hoàn hảo và cái giá phải trả là hạnh phúc ở thì hiện tại của nó".
Dịch giả, nhà văn, họa sĩ Trịnh Lữ là cựu phóng viên, biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói VN/ Học bổng thạc sĩ chuyên ngành Truyền thông tại Trường ĐH Cornell, Mỹ/ Gần 15 năm làm việc cho các dự án truyền thông và giáo dục của Liên Hiệp Quốc tại Mỹ.
Dịch giả, nhà văn Trịnh Lữ: "Phụ huynh không nên coi con mình là một món đầu tư"
“Tôi thấy rằng hạnh phúc ở đời nó không phải cái gì phức tạp cả. Nó là những cái gì làm cho mình cảm thấy sướng ngay lúc bấy giờ, rất là nhỏ nhặt. Ví dụ như một đứa bé đi học về có con chó chạy ra đón nó chẳng hạn, hay là mẹ nó chạy ra đón nó, những cái đấy là hạnh phúc ngay lúc bấy giờ, và những hạnh phúc đấy mới quan trọng”, dịch giả Trịnh Lữ nói.
Việc một đứa trẻ có hạnh phúc hay không nó phản ánh người nuôi nấng nó thật sự có dành tình yêu cho con không bởi trong hạnh phúc luôn phải có tình yêu.
“Thành công kia ở đâu thì không biết, nhưng hạnh phúc thì nó ở ngay đây mà. Nói đến hạnh phúc mà không nói đến tình yêu, lại chỉ nói đến thành công hay là không thành công. Tôi cho rằng đấy là một sai lầm khủng khiếp của giới học thuật”, dịch giả Trịnh Lữ nhấn mạnh.
Trịnh Lữ cũng cho rằng từ nhỏ mình nên dạy trẻ con thái độ sống, chứ kỹ năng thì dễ hơn. Vì bây giờ phương tiện học quá dễ, thậm chí trẻ nhỏ không cần thầy vẫn học được qua mạng. Thế nhưng mà trẻ rất khó tìm người truyền cảm hứng sống, truyền năng lượng tích cực để cho trẻ có thái độ sống đúng đắn. Giúp trẻ lớn lên trở thành một người dũng mãnh, có thể vượt qua nhiều biến cố của cuộc đời. Theo dịch giả Trịnh Lữ sức mạnh về tinh thần là vô cùng quan trọng để trẻ biết chịu trách nhiệm, không tìm cách đổ lỗi cho người khác.
Chính vì vậy, việc hướng dẫn để những đứa trẻ lớn lên có ý thức tự lực cánh sinh, cái gì nếu muốn cũng phải tự tay làm việc mới quan trọng. Nói với trẻ về thái độ sống theo dịch giả Trịnh Lữ mới là chuyện quan trọng, một đường hướng bấy lâu nay bị bỏ lại.
“Không nên coi đứa con của mình là một món đầu tư. Không nên đầu tư cho con để nó thành công, để nó thực hiện những ước mơ của mình. Cái đấy tôi nghĩ là cái dở nhất. Mình sinh con ra đời thành một cá nhân độc lập như thế. Nếu mình yêu nó thật sự thì mình phải làm cho con trở thành chính con người của con, chứ không phải là một hình nhân thế mạng cho tất cả những ước mơ của mình.
Tôi nghĩ nếu phụ huynh nghĩ được và làm được như thế thì trẻ con hạnh phúc ngay lập tức. Bởi trẻ biết bố mẹ nghĩ đến mình, để ý mình thích cái gì, không áp đặt ngày xưa bố mẹ như thế này thì con phải thế nọ thế kia. Tôi cho rằng đấy là cái quan trọng nhất và cũng rất khó chứ không phải đơn giản”, dịch giả Trịnh Lữ nói.
Trí Thức Trẻ