Bỏ nhà mặt đất lên chung cư an dưỡng tuổi già: Từ "khăng khăng không muốn" đến những chuỗi ngày tận hưởng cuộc sống an nhàn
Có người chọn nhà chung cư vì cần 1 môi trường yên tĩnh, an ninh đảm bảo, tiện ích xung quanh đa dạng; cũng có người quyết bỏ nhà mặt đất vì thiết kế căn hộ chung cư theo mô hình phẳng giúp họ dễ dàng đi lại, không còn phải lên xuống cầu thang nữa.
Trong những năm gần đây, chung cư đang là xu hướng nhà ở ngày càng thịnh hành. Đây được đánh giá là một trong những loại hình nhà ở tương lai với những giá trị khác biệt - đặc biệt trong bối cảnh "đất chật người đông", chung cư còn là giải pháp tất yếu đối với Việt Nam.
Tương tự, cuộc sống của mỗi lứa tuổi cũng có nhiều điều khác biệt, kéo theo những sự đổi thay lớn nhỏ trong lựa chọn. Đơn cử, với người trẻ, chung cư gần như là 1 lựa chọn lý tưởng, từ việc đáp ứng nhu cầu sống cho tới vấn đề giá thành. Tuy nhiên, với người cao tuổi - đối tượng này có vẻ như lại đề cao giá trị bền vững và sự tăng trưởng, nhằm tạo ra lợi ích lâu dài về tài chính cho người sở hữu hơn.
Song, mặc dù không có hàng xóm để hàn huyên, tâm sự hay 1 diện tích đủ rộng để thoải mái an dưỡng tuổi già với các hoạt động lớn nhỏ, ngày nay chung cư lại trở thành điểm sáng mới dành cho người cao tuổi.
Vợ chồng ông Trần Đức (Ảnh: NVCC)
Vợ chồng ông Trần Đức (hiện đang sinh sống tại Hà Nội) chia sẻ sự hài lòng sau khi chuyển sang ở chung cư được 4 năm: "Nếu không phải vì bà bị đau chân, mỗi khi đi lại giữa các tầng vô cùng khó khăn trong khi nhà xây dựng đã cũ, việc cải tạo lại thiết kế cũng rất phức tạp thì có lẽ chúng tôi cũng không chuyển sang ở chung cư. Thế nhưng, bây giờ ở quen rồi thì lại thấy rất tiện, chất lượng sống được nâng cao hơn nhiều, phù hợp để an dưỡng tuổi già''.
Những "cái khó" của nhà mặt đất
Được sống an nhàn, thảnh thơi lúc tuổi xế chiều là mong ước chung của con người. Đối với người cao tuổi, ngôi nhà không chỉ là nơi an cư mà còn là nơi an hưởng cuộc sống. Và mặc dù, cuộc sống ở chung cư trước đây in hằn trong suy nghĩ của người cao tuổi đơn thuần là những ngôi nhà xếp chồng lên nhau với sự giới hạn về mặt diện tích, không có (hoặc ít) hàng xóm để hàn huyên, tâm sự nên vô cùng tẻ nhạt và bí bách nhưng, liệu một ngôi nhà chật hẹp sâu trong ngõ có thể thực hiện được mong ước này?
"Tôi đã từng lo sợ về cuộc sống khi ở nhà chung cư khi về già. Bởi, tính tôi cũng khá phóng khoáng và thích giao lưu; nên đúng là nhiều khi cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi nhưng cảm giác về 1 cuộc sống ở chung cư, cách biệt qua từng ô cửa đúng là cứ thấy có chút hụt hẫng.
Ở cái tuổi này, ngoài vui với con cháu hay có hội bạn già hay chơi cờ chung thì còn cần an toàn nữa. Ai cũng nghĩ giữa Hà Nội đất chật người đông, tôi có nhà ở ngay trung tâm thì rất oách, rất có giá nhưng thật ra có rất nhiều cái bất tiện như nhà nhỏ, chật hẹp. Chưa kể, nhiều khi nghĩ dại nhỡ mình đau ốm bất ngờ thì không biết xe cấp cứu có vào được con hẻm nhỏ này không nữa'' - Bà Hiệu (62 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm) chia sẻ.
(Ảnh minh họa)
Đồng quan điểm, ông Trần Đức cũng cho biết, ngày trước vợ chồng ông cùng gia đình con gái út ở chung trong 1 căn nhà 2 tầng. Với đặc điểm về mặt thiết kế được xây dựng từ những năm 90, căn nhà đã trở nên khá cũ và gây ra nhiều bất tiện. Cụ thể, căn nhà tuy chỉ cao khoảng 2 tầng nhưng tầng 1 lại được sắp xếp thành phòng khách và khu vực nấu ăn. Theo đó, cả nhà buộc phải di chuyển lên tầng 2 để nghỉ ngơi và sinh hoạt. Với người trẻ, thiết kế này không phải vấn đề nhưng với người cao tuổi thì lại khác.
"Trước khi chuyển sang chung cư để ở, vợ chồng tôi cũng được con cháu 'làm công tác tư tưởng' nhiều. Bà nhà tôi bị đau chân nên đi lại thực sự khó khăn, trong khi đó việc lên cầu thang để nghỉ ngơi là bắt buộc vì phòng ngủ ở tầng 2. Cầu thang được thiết kế bé, khoảng cách khá cao và dốc nhằm tiết kiệm không gian trước kia giờ đây lại chính là vấn đề lớn nhất. Trong khi đó, vì diện tích nhỏ hẹp nên dù rất muốn quây quần cùng con cháu nhưng những dịp lễ, tết khách khứa đến hoặc muốn giữ con cháu ở lại chơi với mình lâu hơn cũng không được'' - Ông Trần Đức nói.
Khi chuyển sang ở chung cư, con cháu nhà ông Trần Đức vẫn thoải mái sang chơi và thăm nom bất kể khi nào muốn (Ảnh: NVCC)
Chọn nhà chung cư: Từ nỗi sợ vô hình dần đến cảm giác thoải mái, hài lòng khó tả
Không gian sống xanh mát, thoáng đãng là một trong những ưu điểm nổi bật của các khu chung cư cao cấp. Tại đây, những người cao tuổi có thể thoải mái dạo mát, tập thể dục, để cùng hội bạn già sinh hoạt, có sân chơi an toàn, thoải mái với con cháu hay chỉ đơn giản là hít thở không khí trong lành vào mỗi sớm bình minh. Và nếu nhiều người còn lo lắng về việc diện tích bị hạn chế theo quy chuẩn nhất định của từng khu chung cư thì giờ đây đã tự có cho mình lời giải.
"Vì khá sợ độ cao và ngại di chuyển lâu bằng thang máy cũng như sợ các vấn đề liên quan tới cháy nổ nên nhà tôi quyết định chọn căn hộ ở tầng 2. Ở đây, tôi cũng có thể dễ dàng lên xuống bằng thang bộ, rèn luyện thói quen tập thể dục.
Trong khi đó, cả 2 vợ chồng đều thích trồng ít cây xanh, hoa cỏ cho vui nhà vui cửa nên chúng tôi trồng ngay ngoài ban công. Tuy phải chọn những loại cây nhỏ vì diện tích hẹp nhưng bù lại cũng không phải di chuyển nhiều, chỉ cần đi vài bước là tới ban công và có thể chăm sóc cây cối rồi.
Còn không thi thoảng, 2 vợ chồng lại đưa nhau xuống tầng 1 để ngắm hoa, hít thở không khí cũng rất tiện'' - Ông Trần Đức vui vẻ nói.
Hằng ngày, ngắm và chăm sóc cây cảnh, đi ngắm hoa cỏ là hoạt động thường nhật của 2 vợ chồng ông Trần Đức
Trong khi đó, vì gặp nhiều vấn đề về sức khỏe nên vợ chồng bà Hiệu cũng chọn chung cư và thấy yên tâm hơn hẳn khi ở đây.
"Trước kia, khi còn ở nhà mặt đất, vợ chồng tôi ở riêng chứ không sống cùng con cái. Bây giờ cũng thế nhưng tôi lại cảm thấy yên tâm hơn vì căn chung cư chúng tôi đang ở cũng tích hợp sẵn với bệnh viện. Ngoài ra, chúng tôi cũng ở gần với các con nên khi cần chỉ cần gọi là chúng sang luôn, khoảng cách di chuyển không xa và khó khăn như khi nhà còn nằm trong ngõ nhỏ nên 2 vợ chồng tôi bớt lo lắng hơn nhiều.
Để đảm bảo an toàn, các con tôi cũng lắp thêm camera để tiện theo dõi. Trước kia cũng thế nhưng vì đặc điểm về mặt thiết kế của nhà tầng nên gần như camera khó quan sát hết được, nhưng với chung cư thì khác" - Bà Hiệu tâm sự.
Một chiếc camera lắp ngoài phòng khách cũng đủ quan sát được khá bao quát tình hình diễn ra trong nhà (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh đó, khi sống tại chung cư, ông Trần Đức và bà Hiệu cũng thừa nhận có thể làm phong phú đời sống tinh thần bằng nhiều hoạt động đa dạng thông qua các nhóm cộng đồng văn minh như tập thể dục dưỡng sinh, chơi cờ, dưỡng sinh, trà đạo, thể thao, từ thiện…
Như vậy, cuộc sống tuổi già không còn là một bóng đen mà là những chuỗi ngày tận hưởng an nhàn.
Nhìn chung, mỗi người sẽ có những lựa chọn khác nhau nhưng cuộc sống này vô cùng thực tế, mỗi 1 loại hình nhà ở đương nhiên sẽ mang theo nhưng ưu - nhược khác nhau và muốn sống thoải mái, an toàn, chúng ta có thể sẽ phải đánh đổi. Tuy nhiên, hãy xét về tình hình thực tại vì về cơ bản, những người cao tuổi đã phải vất vả sau mấy thập kỷ bôn ba nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc cho con cái. Và có lẽ đây là lúc, ai cũng mong muốn sở hữu một chốn an cư lý tưởng để quẳng gánh lo đi mà vui sống.
Người cha Trung Quốc tặng con trai 20 cuốn sổ đỏ để dễ lấy vợ: Hào phóng hay khoe khoang?Thể thao văn hóa