MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bổ nhiệm “đúng quy trình” và trách nhiệm người đứng đầu

22-07-2016 - 09:27 AM | Xã hội

Quy trình sai cần sửa, người vận hành quy trình đúng nhưng làm sai cần được xử lý trách nhiệm một cách minh bạch, công bằng.

Những ngày này, dư luận vẫn tiếp tục hướng sự quan tâm vào hàng loạt vụ việc đã trở thành điểm nóng như vụ luân chuyển, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang; vụ điều động ông Vũ Quang Hải (con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng). Trước đó là vụ bổ nhiệm giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Nam hay việc cả họ làm quan ở huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Không chỉ trong chuyện tuyển chọn, bổ nhiệm, sử dụng, quản lý cán bộ, mà hàng loạt các tiêu cực hay sai phạm trong các lĩnh vực khác, những người có trách nhiệm đều đồng loạt trả lời “đúng quy trình”. Hai dự án đường sắt đô thị lớn liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn khiến 1 người chết, 5 người bị thương, nhưng kết luận thi công công trình là “ đúng quy trình”. Đường ống nước Sông Đà giai đoạn I của nhà thầu Trung Quốc đã bị vỡ đến lần thứ 18 nhưng vẫn “đúng quy trình”. Không ít sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế, môi trường, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác cuối cùng vẫn "đúng quy trình".

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi phỏng vấn PGS.TS Phạm Bích San, nguyên Phó Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Thưa ông, hai từ “quy trình” là gì và có cần thiết đặt ra trong quá trình xử lý các việc công hay không?

PGS.TS Phạm Bích San: Theo tôi hiểu, quy trình là một trình tự được quy định thực hiện một công việc gì đó. Quy trình được triển khai nhằm đạt được mục đích gì đó. Chính vì vậy, quy trình được quy định trong một tổ chức nhất định và có giá trị trong một hệ thống nhất định, tùy thuộc vào tổ chức này lớn hay nhỏ.

Để thực hiện mục đích có rất nhiều bước khác nhau, trong đó quy trình là một cách được quy định của những người lãnh đạo theo những trình tự nhất định để đạt được mục tiêu đó.

Điểm thứ hai, trong quy trình gồm nhiều trình tự các bước khác nhau và cũng quy định trong từng trình tự hoạt động như thế nào, có bước làm thế này, cũng có bước làm thế kia.

Bản chất các hoạt động của xã hội có nhiều công việc lớn và phức tạp, do đó một loạt các công việc cần phải có quy trình và quy trình giúp cho công việc được làm tốt hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là quy trình thay thế được tất cả những chuyện khác và cũng không có nghĩa quy trình có thể bị lạm dụng.

Ví dụ khi bổ nhiệm cán bộ, theo quy trình phải có khâu lấy ý kiến của mọi người cùng làm việc. Việc lấy ý kiến là trong quy trình có bước đó, nhưng thực hiện như thế nào thì phụ thuộc rất nhiều vào từng cơ quan và từng cá nhân lãnh đạo.

Lấy ví dụ câu hỏi: “Các anh/chị có đồng ý đồng chí này làm lãnh đạo không?” thì có thể có nhiều người không đồng ý, nhưng nếu hỏi: “Có anh/chị nào không đồng ý đồng chí này làm lãnh đạo?” thì thông thường sẽ không có ai nói gì và nghiễm nhiên việc này đã được thông qua. Đó là những thủ thuật rất nhỏ để làm cho từng bước trong quy trình có thể được diễn ra phù hợp với ý định của những người có mục đích.

Quy trình có được luật pháp điều chỉnh không khi mà có nhiều ý kiến cho rằng nó có thể "đè bẹp" luật pháp, thưa ông?

PGS.TS Phạm Bích San: Có sự "tài ba" của những người lạm dụng điều này, là “bẻ’ nghĩa của từ “quy trình” theo hướng mà họ mong muốn. Quy trình trên thực tế là một quy định để làm một công việc, thậm chí nó chưa có giá trị để làm một công việc chặt chẽ. Có quy trình nhiều người chấp hành, tuân thủ, như quy trình làm thế nào để bầu được đại biểu Quốc hội thì quy trình đó bắt buộc có tính pháp lý cao. Nhưng cũng có rất nhiều quy trình đơn giản là do quy định thủ tục trình tự trong một cơ quan. Xã hội chỉ quan tâm tới kết quả cuối cùng của công việc mà cơ quan, tổ chức làm, chứ người ta không quan tâm nhiều đến quy trình anh làm như thế nào.

Như câu chuyện ống nước ở Hà Nội vỡ 18 lần, nếu như ống nước không vỡ, người dân được cung cấp nước sạch thì không ai bàn câu chuyện quy trình của các ông cả, bởi quy trình là việc của Vinaconex, của ông Phí Thái Bình và các cộng sự của ông ta. Nhưng khi không cung cấp nước được cho người dân thì lúc đó người ta mới giám sát xem các anh đã làm việc đó như thế nào. Có thể quy trình của anh là đúng nhưng từng bước một có thể sai, đáng nhẽ chất lượng ống nước như thế này nhưng anh lại chọn chất lượng ống nước như thế kia vì những lý do khác nhau...

PV: Quy trình có vấn đề thì quy trách nhiệm cho ai được, thưa ông?

PGS.TS Phạm Bích San: Quy trình có vấn đề thì những người lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan đó phải có trách nhiệm vì lỗi ở họ. Dù họ có toàn quyền chọn những quy trình và trong từng bước thực hiện quy trình đó, họ có quyền chỉ đạo và hướng dẫn việc thực hiện quy định đó như thế nào cho phù hợp.

Ví dụ đường ống nước sông Đà, khi mua đường ống dẫn, quy trình bắt buộc là phải mua ống có những tiêu chuẩn nhất định. Nhưng khi mua nó, người ta có quyền chọn tổ chức hội đồng như thế nào đó để đưa ra kết quả phù hợp với họ. Quy trình là một chuyện nhưng ý đồ của những người thực thi có nghiêm túc thực hiện theo những tiêu chuẩn của nhà nước quy định hay không là một chuyện hoàn toàn khác.

Quy trình đúng, nhưng do người vận dụng sai thì vẫn không ổn. Chúng ta phải làm sao để quy trình đúng mà con người không có cách nào vận dụng sai, thưa ông?

PGS.TS Phạm Bích San: Cái đó là có. Như vấn đề tham nhũng, trên thế giới vẫn đặt những quy định làm sao để không có khả năng tham nhũng và quan trọng là không dám tham nhũng. Vì vậy, quy trình là một câu chuyện các quy định đặt ra, nhưng quan trọng hơn chúng ta giám sát như thế nào.

Đầu tiên phải giám sát các quy trình đặt ra đã đúng chưa, sau đó mới giám sát việc thực hiện quy trình có đúng không. Cũng nên hiểu trong vấn đề sản xuất công nghiệp, quy trình chặt chẽ từng bước; nhưng trong hoạt động quản lý công tác xã hội thì nhiều khi không phải lúc nào cũng chặt chẽ như thế. Vì vậy chỉ có một số việc mới có quy trình chặt chẽ như quy trình bầu cử đại biểu Quốc hội, còn những vấn đề khác thì phần lớn là định hướng và những bước trên đó người ta nên thực hiện thế nào, còn phần lớn là tùy thuộc người lãnh đạo bởi họ được quyền đó.

Để có được quy trình khoa học, hợp lý, chặt chẽ, tôn trọng khách quan và minh bạch trách nhiệm, chúng ta phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

PGS.TS Phạm Bích San: Đầu tiên những người lãnh đạo phải công tâm để thực hiện đúng và phải có trình độ thì mới xây dựng được quy trình đúng. Khi những người lãnh đạo công tâm và có trình độ thì tạm thời mới có quy trình đúng và thực hiện đúng các bước theo quy trình.

Nhưng bản thân con người đôi lúc cũng có sai lầm và có thể thông cảm được. Để người ta không sai lầm thì cần phải giám sát và kiểm sát. Cần có 2 sự giám sát, một là sự giám sát chính thống của nhà nước, của các cơ quan pháp luật; thứ hai là sự giám sát xã hội. Chính sự giám sát xã hội mới khẳng định đảm bảo các bộ phận trong bộ máy nhà nước hoạt động trơn tru và có hiệu quả. Bởi không có gì giấu được các tổ chức xã hội, người dân, vì họ có mặt khắp mọi nơi và họ có thể phát hiện mọi vấn đề xảy ra

Xin cảm ơn ông!.

Theo Ngọc Chi - K.Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên