MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Nông nghiệp lưu ý môi trường ở tổ hợp giết mổ 1.000 tỷ đồng

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám vừa có kết luận và yêu cầu các đơn vị của Bộ này thành lập tổ công tác để hỗ trợ, đồng thời lưu ý vấn đề môi trường với tổ hợp giết mổ, chế biến thịt lợn với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng của Tập đoàn Masan tại Hà Nam.

Theo đó, ông Tám giao Cục Chăn nuôi làm đầu mối, thành lập tổ công tác phối hợp với Hà Nam và Tập đoàn Masan xử lý các vướng mắc trong quá trình đầu tư dự án.

Tập đoàn Masan cần ban hành tiêu chí, quy trình sản xuất theo chuỗi, hình thức hợp đồng, truy xuất nguồn gốc, quy trình giám sát, đồng thời làm rõ và chi tiết các lợi ích của người dân khi tham gia.

Tổ công tác cũng sẽ phối hợp với tỉnh Hà Nam và Masan xây dựng các vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch, sau khi doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi, cũng như lấy ý kiến với người dân, cùng khớp nối với các tiêu chí của Tập đoàn Masan cho phù hợp.

Ngoài ra, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản rà soát xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình phù hợp liên quan tới thịt mát, hạn đến tháng 8/2018 phải xây dựng xong và ban hành.

Ông Tám cũng lưu ý, Tập đoàn Masan chủ động phối hợp với địa phương, các đơn vị liên quan sớm có giải pháp xử lý chất thải, không để ô nhiễm môi trường, biến chất thải thành sản phẩm có ích như phân hữu cơ, vi sinh.

Trước đó, đầu tháng 2/2018, Masan đã khởi công dự án tổ hợp chế biến thịt tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV, huyện Kim Bảng (Hà Nam) với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

Tổ hợp này có công suất chế biến khoảng 1,4 triệu con lợn/năm (khoảng 140 nghìn tấn thịt/năm). Phát biểu tại lễ động thổ, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đang yếu khâu chế biến và tổ chức thị trường. Bằng chứng rõ nhất là việc khủng hoảng giá lợn bắt đầu vào khoảng tháng tư năm ngoái, có nguyên nhân do dư thừa số đàn lợn thịt.

“Việc Masan xây dựng dự án chế biến thịt theo công nghệ cao, cho ra sản phẩm sạch là việc rất tích cực; giúp khắc phục những yếu kém của ngành hàng này”- ông Cường nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Masan- ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng: “Người tiêu dùng Việt Nam xứng đáng và có quyền được hưởng các sản phẩm thịt có tiêu chuẩn ngang bằng với những tiêu chuẩn cao nhất mà thế giới có. Vì thế, Masan đã dồn sự nỗ lực của mình để phụng sự cho 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam được hưởng những sản phẩm tiêu chuẩn thế giới”.


Theo Phạm Anh

Tiền phong

Trở lên trên