Bỏ phương án thời hạn sở hữu nhà chung cư
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc UBND cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất vũng như dành một phần tiền thu từ dự án thương mại cho đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhưng đề nghị đánh giá tính khả thi theo thực tiễn.
- 05-06-2023Hà Nội: 2 tỷ đồng mua nhà ở đâu giữa bối cảnh chung cư mới liên tục tăng giá?
- 05-06-2023Đại biểu Quốc hội băn khoăn quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư
- 05-06-2023Xây dựng lại nhà chung cư, người dân đóng góp thế nào?
Sáng 5/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sau khi nghe Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền Thủ tướng, đọc tờ trình dự luật này.
Trong dự thảo luật trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất UBND cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất cho đầu tư, phát triển nhà ở xã hội. Cùng đó, địa phương sẽ phải dành tỷ lệ nhất định nguồn thu từ tiền sử dụng, thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án nhà ở xã hội. Việc này nhằm khắc phục thực tế vừa qua tại một số địa phương chỉ dành đất cho dự án thương mại, không bố trí quỹ đất riêng cho nhà ở xã hội.
Ủy ban Pháp luật tán thành quy định này, nhưng đề nghị đánh giá tính khả thi trên cơ sở nhu cầu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn tới. Việc này để tránh tình trạng các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho các hạng mục trên.
Cho rằng việc trích tiền thu từ sử dụng, thuê đất vẫn là tiền ngân sách, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm đóng góp kinh phí làm nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Một số vấn đề cần làm rõ
Cũng theo tờ trình, chủ đầu tư làm nhà ở xã hội được hưởng loạt ưu đãi, như miễn tiền thuê, sử dụng đất, được hưởng 10% phần diện tích xây nhà ở xã hội, được ưu đãi vay vốn lãi suất thấp. Chủ đầu tư cũng được hạch toán riêng, hưởng toàn bộ lãi từ phần diện tích làm dịch vụ thương mại trong dự án nhà ở xã hội.
Ủy ban Pháp luật lưu ý quy định cụ thể tỷ lệ tối đa phần quỹ đất dành riêng để làm các công trình kinh doanh dịch vụ thương mại trong dự án nhà ở xã hội. Việc này để tránh bị lạm dụng, tiêu cực trong xin phép làm dự án nhà ở xã hội, nhưng mục tiêu chính của chủ đầu tư là có đất để làm công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại.
Liên quan đến Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị làm rõ hơn một số nội dung như ưu đãi lợi nhuận định mức 10% với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội là được tính trên số chi phí nào.
Về giá bán, thuê và thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng, dự thảo luật bổ sung quy định "tính đúng" các chi phí để thu hồi vốn, các chi phí hợp lý, hợp lệ. Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ các chi phí hợp lý khác được tính vào giá bán hoặc phải quy định các nguyên tắc, điều kiện để chi phí có thể coi là hợp lý khi tính vào giá bán.
Điểm “nóng” cải tạo chung cư cũ
Liên quan tới cải tạo, xây nhà chung cư cũ, ở lần trình này Chính phủ đã bỏ phương án thời hạn sở hữu nhà chung cư sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng dự thảo luật vẫn chưa làm rõ những điểm nghẽn khiến việc di dời người dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập.
"Nếu chung cư cũ hư hỏng, có nguy cơ sập đổ mà chưa di dời được người dân, hậu quả xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm. Chính phủ cần nghiên cứu, quy định các biện pháp cưỡng chế cần thiết, phù hợp để khắc phục tình trạng này", cơ quan thẩm tra nêu.
Khác với luật hiện hành, Chính phủ đề xuất chủ đầu tư dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư cũ sẽ lập phương án bồi thường, tái định cư để các chủ sở hữu nhà chung cư quyết định. Quy định này, Ủy ban Pháp luật cho rằng có thể tạo ra vướng mắc, vì khó có thể đạt được sự đồng thuận 100%.
Để khắc phục, cơ quan này đề nghị xác định tỷ lệ biểu quyết chọn phương án bồi thường, tái định cư của các chủ sở hữu căn hộ. Cùng đó, UBND cấp tỉnh quyết định phương án bồi thường, tái định cư nếu sau thời gian nhất định chưa thống nhất được.
Về quyền sử dụng đất dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cơ quan thẩm tra nói đang có sự xung đột với nội dung của Luật Đất đai, nên cần rà soát để đảm bảo quyền lợi chủ sở hữu nhà chung cư với đất ở ổn định, lâu dài.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ trường hợp UBND cấp tỉnh đầu tư vốn để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư, quyền sở hữu các nhà này sau khi xây dựng lại được xác định thế nào. Bên cạnh đó, các chủ sở hữu cần có trách nhiệm, chia sẻ gánh nặng tài chính với Nhà nước, nhất là với các nhà chung cư thuộc sở hữu tư nhân đã hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ sập đổ.
Nhịp sống thị trường