MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ qua mọi thị trường khác, nhà đầu tư nước ngoài 'ôm' dòng tiền cuồn cuộn đổ vào chứng khoán Mỹ

26-07-2021 - 18:06 PM | Tài chính quốc tế

Bỏ qua mọi thị trường khác, nhà đầu tư nước ngoài 'ôm' dòng tiền cuồn cuộn đổ vào chứng khoán Mỹ

Nhà đầu tư trên toàn thế giới đang đổ khoản tiền khổng lồ vào Mỹ. Đây là một dấu hiệu cho thấy niềm tin về việc nền kinh tế lớn nhất thế giới sẵn sàng vượt qua đại dịch tốt hơn nhiều so với những quốc gia khác.

Theo số liệu được tổng hợp bởi Refinitiv Lipper, nhà đầu tư trên toàn thế giới đã rót hơn 900 tỷ USD vào các quỹ tương hỗ và ETF tại Mỹ trong nửa đầu năm nay. Đây là con số kỷ lục kể từ năm 1992 và cao hơn cả số vốn đổ vào các quỹ ở những quốc gia khác cộng lại trong 2 quý đầu năm 2021.

Dòng vốn mạnh mẽ góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục, vượt trội so với châu Âu hay châu Á. Năm 2021, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 17% lên mức cao nhất mọi thời đại, trong khi DAX của Đức tăng 14%, Shanghai Composite tăng 2,2% và Nikkei Stock Average ít dao động.

Trong nửa đầu năm nay, xu hướng đầu tư đã có sự thay đổi. Các quỹ của Mỹ đón nhận dòng vốn 51 tỷ USD trong tháng 6, giảm từ mức 168 tỷ USD trong tháng 5 và tháng đầu tiên ghi nhận dòng vốn giảm xuống dưới mốc 100 tỷ USD kể từ tháng 1. Trong khi đó, dòng vốn đổ vào các quỹ ngoại lại tăng lên hơn 93 tỷ USD vào tháng trước, từ 84 tỷ USD vào tháng 5.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cho biết, dù các biến chủng của Covid-19, lạm phát hay việc NHTW thay đổi chính sách có thể làm chậm đà hồi phục của Mỹ, nhưng dường như xu hướng này vẫn không thay đổi ngay cả khi các quốc gia khác đang gặp khó khăn. 

Theo Goldman Sachs, nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ đổ thêm 200 tỷ USD vào chứng khoán Mỹ, bên cạnh đó là 712 tỷ USD đã được đưa vào từ năm 2020. Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ của khối ngoại trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Bỏ qua mọi thị trường khác, nhà đầu tư nước ngoài ôm dòng tiền cuồn cuộn đổ vào chứng khoán Mỹ  - Ảnh 1.

Dòng vốn đổ vào các quỹ tương hỗ và ETF Mỹ so với phần còn lại của thế giới (nghìn tỷ USD).

Jack Janasiewicz - nhà quản lý danh mục đầu tư và chiến lược gia tại công ty quản lý tài sản toàn cầu Natixis Investment Managers, nhận định: "Kinh tế Mỹ đã có khởi đầu thuận lợi khi kiểm soát được đại dịch. Chúng tôi khá lạc quan về lý do tại sao thị trường tiếp tục tăng giá."

Tuy nhiên, đằng sau sự hứng khởi của nhà đầu tư lại là xu hướng hồi phục không đồng đều trên toàn cầu. Các nhà kinh tế được WSJ khảo sát dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,9% vào năm 2021, cao hơn ước tính của IMF đối với hầu hết các nền kinh tế mới nổi và phát triển.

Chính điều này sẽ khiến tình trạng thiếu cân bằng tiếp tục diễn ra, vốn đã khiến trái phiếu Mỹ trở thành loại tài sản thu hút nhà đầu tư kể từ khủng hoảng tài chính. Gần 16 nghìn tỷ USD trái phiếu toàn cầu được Bloomberg Barclays theo dõi có lợi suất âm tính đến ngày 22/7. Có thể thấy, nhà đầu tư chấp nhận ôm lỗ và chờ đến ngày đáo hạn.

Các quỹ trái phiếu ngoại đã tỷ trọng đối với trái phiếu Mỹ lên khoảng 25% trong danh mục đầu tư tính đến ngày 30/6, theo EPFR. Con số này tăng từ 23% vào cuối năm ngoái và khoảng 10% vào cuối năm 2019.

Daniela Mardarovici - đồng trưởng bộ phận trái phiếu Mỹ tại Macquarie Asset Management, cho biết: "Nhu cầu đối với trái phiếu lợi suất dương là cực kỳ lớn, đặc biệt là các khoản nợ định danh bằng USD."

Song, giới phân tích cảnh báo rằng dòng vốn thường có thể "chạy" theo những loại tài sản đang tăng giá mạnh và việc đặt cược vào sự tăng trưởng của Mỹ có thể khiến nhà đầu tư thất vọng. Theo FactSet, các công ty trong S&P 500 gần đây giao dịch ở mức P/E dự phóng 12 tháng là 28 lần, gần mức cao nhất kể từ năm 2000.

Bỏ qua mọi thị trường khác, nhà đầu tư nước ngoài ôm dòng tiền cuồn cuộn đổ vào chứng khoán Mỹ  - Ảnh 2.

Diễn biến của các chỉ số ở thị trường chứng khoán khác so với Mỹ.

Nhà đầu tư có thể đã bỏ lỡ cơ hội khi không cân nhắc về các thị trường khác. Theo dữ liệu của Richard Bernstein Advisors, tỷ suất sinh lời hàng năm của chứng khoán Mỹ là 8,5% từ tháng 12/1969 đến 2/1989, thấp hơn mức 15,5% của các thị trường phát triển khác. Trong khi đó, từ tháng 1/1999 đến 10/2010, tỷ suất sinh lời của thị trường mới nổi là 14,7%, vượt xa mức tăng 0,3% của Mỹ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhà đầu tư vẫn lãi đậm khi đầu tư vào chứng khoán Mỹ. MSCI World Index có tỷ suất sinh lời là 10% hàng năm từ 2009 đến 2019, nhưng chỉ còn khoảng 5% khi không tính cổ phiếu Mỹ. Chỉ số này tăng hơn 14% trong năm nay, nhưng chỉ còn 8% nếu không bao gồm cổ phiếu Mỹ.

Các nhà phân tích nhận định, mức sinh lời hấp dẫn như vậy vẫn có thể thu hút nhà đầu tư tìm đến thị trường Mỹ. Hơn nữa, sự lạc quan đối với Phố Wall tiếp tục tăng trong tháng 7, khi tâm lý của nhà đầu tư đối với Eurozone và thị trường mới nổi suy yếu. 

Tham khảo Wall Street Journal

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên