MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ quên đầu tư công nghiệp đường sắt

Hiện lĩnh vực công nghiệp đường sắt chỉ có 18 cơ sở chế tạo, lắp ráp, sửa chữa và chỉnh bị đầu máy toa xe. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và dây chuyền công nghệ đều rất cũ kĩ, lạc hậu.

Dây chuyền công nghệ từ thời "0.0"

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xe lửa Dĩ An Phạm Đức Vinh cho biết, trang thiết bị của công ty chủ yếu từ thời Pháp và thời Mỹ ngụy để lại. Sau năm 1975 đến nay, dù có đầu tư một số thiết bị, máy móc nhưng rời rạc, không đồng bộ, chủ yếu theo kiểu "giật gấu vá vai", hỏng gì, cần gì thì đầu tư mới đấy. "Hiện nhà máy còn máy tiện từ 1928 vẫn đang sử dụng, máy ép từ năm 1945, máy dập và máy máy cắt 1968", ông Vinh nói.

Trong khi đó, theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xe lửa Gia Lâm Tạ Mạnh Thắng, nhà máy đã được Ba Lan viện trợ nhà xưởng, thiết bị, dây chuyền công nghệ từ những năm 1970. Tuy nhiên, do thời gian dài không có vốn để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên xuống cấp nghiêm trọng, số lượng thiết bị cũ, lạc hậu không đáp ứng được cho công nghệ mới.

Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN Khương Thế Duy cho biết, đặc thù của công nghiệp đường sắt chủ yếu là bảo dưỡng, sửa chữa và tạo ra phụ tùng vật tư phục vụ ngành vận tải đường sắt trong nước. Việc đóng mới phương tiện rất ít vì sản phẩm tạo ra từ đóng mới chỉ để thay thế những sản phẩm cũ, lạc hậu. "Do không mở rộng được quy mô sản xuất, người lao động không đảm bảo được thu nhập dẫn đến chất lượng cán bộ kỹ thuật giỏi, công nhân tay nghề cao chiếm tỷ lệ ngày càng giảm dần", ông Duy nói.

Cần chính sách, cơ chế ưu đãi Nhà nước

Mới đây, Cục Đường sắt VN đã xây dựng và trình Bộ GTVT Đề án phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam theo hướng phát triển các cơ sở công nghiệp đầu máy, chế tạo toa xe, sản xuất ray, phụ kiện và phụ tùng thay thế theo hướng hiện đại; Lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Theo ông Khương Thế Duy, về cơ chế chính sách, đề án đề xuất cần đưa công nghiệp đường sắt là ngành nghề được ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư; Miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng công trình công nghiệp đường sắt; Quy định về ưu đãi về vốn vay tín dụng đầu tư của nhà nước, được cấp bảo lãnh Chính phủ khi đầu tư vào công nghiệp đường sắt. Cùng đó, Nhà nước cần thực hiện chính sách miễn, giảm thuế ở mức hợp lý và có thời hạn phù hợp đối với các doanh nghiệp phát triển công nghiệp đường sắt, thuế xuất nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng mà trong nước chưa sản xuất được.

"Nhà nước cũng cần đầu tư vốn với lãi suất bằng không (0%) với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; Đầu tư vốn với lãi suất ưu đãi với việc nâng cấp, đóng mới các phương tiện giao thông đường sắt và các cấu kiện phục vụ cơ sở hạ tầng đường sắt".

Ông Tạ Mạnh Thắng

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xe lửa Gia Lâm

Luật Đường sắt 2017 đã có nội dung khẳng định chính sách ưu đãi phát triển của Nhà nước. Quan trọng nhất vẫn cần sự hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước, đặc biệt là về vốn vì đây là lĩnh vực khó thu hút vốn đầu tư tư nhân, khó sinh lời", ông Duy nói.

Đồng tình với những đề xuất này, ông Phạm Đức Vinh cho rằng, cần có chiến lược, chính sách phát triển lâu dài, nhưng trước mắt phải duy trì và vực dậy được các cơ sở công nghiệp hiện nay. Muốn vậy, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, trong đó ưu đãi về vốn vay và lãi suất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có nguồn vốn hạn chế, vừa chuyển đổi thành công ty cổ phần. "Để vay vốn, các đơn vị phải có hợp đồng sản xuất, rồi đem đi tín chấp, thế chấp với ngân hàng sẽ vay được khoảng 60%. Nhưng nếu chỉ lấy vốn điều lệ của công ty (65 tỷ đồng) để đi đấu thầu, sẽ rất khó khăn, nhất là với các gói thầu lớn. Nếu vay vốn để đầu tư thiết bị hiện đại sẽ cần khoản vốn rất lớn, khoảng 1-2 triệu USD/thiết bị nhưng phải nhìn thấy tầm nhìn dài hạn 10-20 năm", ông Vinh phân tích.

Cũng theo ông Vinh, hiện các đơn vị công nghiệp đường sắt đều phải "ăn đong", làm 6 tháng đầu năm lại lo việc 6 tháng cuối năm, làm năm nay lại lo việc năm sau nên không thể mạnh dạn vay vốn đầu tư khi mà lãi suất ngân hàng cao.

Ông Tạ Mạnh Thắng cho biết, tới đây để lĩnh vực này phát triển, Nhà nước cần giảm tiền thuê đất đối với quỹ đất phục vụ cho công nghiệp đường sắt; Áp dụng miễn tiền thuê đất đối với cơ sở công nghiệp đường sắt khi Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực từ 1/7/2018.

Theo ông Thắng, các cơ sở công nghiệp đường sắt cần phải sử dụng diện tích đất lớn nên rất áp lực trả tiền thuế đất, trong khi tình hình SXKD đang khó khăn. Chỉ tính riêng Công ty CP Xe lửa Gia Lâm, giai đoạn từ 11/2013 đến tháng 1/2016 số tiền phải nộp là trên 59,5 tỷ đồng; Giai đoạn từ 2/2016 đến tháng 6/2018 số tiền phải nộp là trên 36,5 tỷ đồng.

Xem link bài gốc tại đây

Theo Thanh Thúy

Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên