Bỏ sổ hộ khẩu, mua bán nhà đất phức tạp hơn khi phải xin thêm một loại giấy xác nhận mới
Mặc dù sổ hộ khẩu khi sang tên sổ đỏ/sổ hồng, song khi thực hiện người mua bán phải thực hiện xác minh nơi cư trú từ công an nơi đang cư trú.
- 01-02-2023Bộ Xây dựng: Giá chung cư không tăng trong 1 quý vừa qua
- 01-02-2023Nhiều ông lớn dẫn đầu danh sách tồn kho bất động sản
- 01-02-2023Thị trường sụt giảm thanh khoản, doanh nghiệp môi giới bất động sản làm ăn ra sao?
Kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng, theo quy định tại Điều 38 của Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ 1/7/2021). Do vậy, khi giao dịch mua bán bất động sản sẽ không cần đến sổ hộ khẩu tại văn phòng công chứng đất đai.
Theo Nghị định số 104/2022/NĐ-CP bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội… người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang, do tất cả hồ sơ về dữ liệu về cư chưa thể hoàn thiện, nên những người sang tên sổ đỏ/sổ hồng ở thời điểm này phải tới công an phường/xã xin xác nhận cư trú để hoàn thiện thủ tục.
“Kể cả những người đã có căn cước công dân gắn chip cũng cần phải xin xác nhận cư trú. Bởi, nhiều văn phòng công chứng hiện nay chưa có thiết bị đọc được chip của căn cước công dân mới. Sau khi đã hoàn thành bước này, người chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất sẽ thực hiện các bước như cũ, không có gì thay đổi. Đến khi dữ liệu dân cư hoàn thiện thì chỉ cần mang căn cước công dân gắn chip tới văn phòng công chứng là có thể thực hiện sang tên”, Luật sư Nghiêm Quang Vinh nhấn mạnh.
Anh Trần Thắng, chuyên viên Phòng công chứng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, người sang tên sổ đỏ/sổ hồng phải tới công an xã/phường nơi đang cư trú để xin xác nhận cư trú.
“Trong trường hợp sổ hộ khẩu chưa bị thu thì chỉ cần mang tới phòng công chứng thực hiện các thủ tục như cũ”, anh Thắng nói.
Chị T, chuyên viên tại một Phòng công chứng khác tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trước khi sang tên sổ đỏ/sổ hồng, cần xem nơi thường trú trên căn cước công dân và địa chỉ trên sổ đỏ/sổ hồng, nếu không khớp mới cần phải xin xác nhận cư trú từ công an phường/xã. Còn nếu đã trùng khớp, thì chỉ cần thực hiện các thủ tục như bình thường mà không cần sổ hộ khẩu.
“Thông thường thủ tục xin xác nhận cư trú có thể đợi khoảng 1 - 2 ngày. Thiếu bước này sẽ không thể thực hiện sang tên sổ đỏ/sổ hồng”, chị T nói.
Anh Tùng, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, trước kia, khi sổ hộ khẩu còn hiệu lực, chỉ cần mang tới văn phòng công chứng và thực hiện các bước thủ tục là có thể sang tên được sổ đỏ/sổ hồng.
“Tuy nhiên, khi bỏ sổ hộ khẩu đi, nhưng phải xác nhận về nơi cư trú tôi thấy phức tạp hơn, mất thời gian hơn”, anh Tùng nói.
Nhịp sống thị trường