Bổ sung gần 8.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines “thoát” âm vốn chủ sở hữu
Sau khi phát hành thành công thêm gần 800 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, Vietnam Airlines được bổ sung về nguồn vốn và dòng tiền, đảm bảo điều kiện niêm yết trên sàn HOSE, tình hình tài chính được cải thiện đáng kể, tiếp tục mở ra cơ hội để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tạo đà phát triển trong tương lai.
Vốn chủ sở hữu là một chỉ tiêu tài chính có vai trò quan trọng trong việc nắm bắt và kiểm soát tình hình sức khỏe về tài chính của doanh nghiệp, đồng thời đại diện cho giá trị cổ phần của nhà đầu tư. Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh phức tạp và kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines bị đình trệ và rơi vào trạng thái khó khăn, kéo theo hệ lụy tất yếu là thâm hụt dòng tiền và suy giảm vốn chủ sở hữu.
Trước tình hình khó khăn đó, Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều giải pháp tài chính và tái cơ cấu để cân đối dòng tiền, nguồn vốn và duy trì sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, Vietnam Airlines đã triển khai thành công phương án phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, đợt phát hành đã chào bán 800 triệu cổ phiếu từ ngày 05/8 đến 14/9/2021 và kết thúc với 796,1 triệu cổ phiếu được phân phối cho 27.627 cổ đông, tương ứng 99,51% tổng số cổ phiếu chào bán với số tiền thu được là hơn 7.961 tỷ đồng.
Với kết quả đợt phát hành cổ phiếu này, Vietnam Airlines đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE. Là Hãng hàng không Quốc gia với vai trò quan trọng trong việc duy trì giao thương quốc tế, phát triển kinh tế, xã hội và du lịch đất nước, việc cổ phiếu HVN niêm yết trên sàn HOSE sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Vietnam Airlines bảo vệ giá trị vốn đầu tư của các cổ đông, tiếp tục huy động các nguồn vốn trong tương lai, từng bước vượt qua các khó khăn của đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển, tiếp tục giữ vững vị thế và đóng góp tích cực vào sự phục hồi kinh tế đất nước.
Trước đó, vào tháng 7 vừa qua, Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô 8.000 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước đã đầu tư 6.894,9 tỷ đồng để mua cổ phiếu thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước tại Vietnam Airlines.
Bên cạnh đó, Tập đoàn ANA - cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines - đã chuyển nhượng quyền mua 70 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines mà không yêu cầu bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào cho việc chuyển nhượng quyền mua. Quyền mua cổ phiếu của ANA đã được phân bổ đều cho hơn 13.000 người lao động để mỗi người có quyền sở hữu cổ phiếu như nhau, không phân biệt thâm niên công tác hay vị trí làm việc. Đây là phương án được Vietnam Airlines đưa ra nhằm mục đích vừa góp phần tạo nên sự thành công của đợt phát hành, vừa tạo động lực thúc đẩy hiệu quả làm việc và sự gắn kết của người lao động với Vietnam Airlines, đặc biệt là nguồn lao động trẻ bởi đây là lực lượng nòng cốt sẽ tiếp nối, làm nên sự phát triển của Vietnam Airlines trong tương lai.
Hiện tại, các cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu tương ứng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,20%), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%).
Dự kiến, Vietnam Airlines sẽ sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và bù đắp thâm hụt dòng tiền, hỗ trợ thanh khoản qua đó giúp cải thiện năng lực tài chính vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.