MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính cũng khó nắm bắt được đầy đủ tình hình tài chính doanh nghiệp nhà nước

Bộ Tài chính cũng khó nắm bắt được đầy đủ tình hình tài chính doanh nghiệp nhà nước

Tới cuối tháng 10/2021, vẫn còn 06/20 bộ, cơ quan ngang bộ cùng 10/63 UBND tỉnh/thành phố chưa gửi hoặc gửi chưa đầy đủ Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với DNNN 6 tháng đầu năm 2021.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong văn bản tổng hợp Báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2021, trọng tâm là đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Tài chính công bố gần đây.

Theo báo cáo này, tính đến thời điểm 25/10/2021, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được đầy đủ báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2021 của khá nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu. Và đây không phải là lần đầu tiên có tình trạng này, các kỳ trước đó cũng từng diễn ra như vậy.

Cụ thể, tới cuối tháng 10, còn 06/20 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa gửi hoặc gửi chưa đầy đủ Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với DNNN và doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Trong đó, 03 cơ quan chưa có báo cáo đầy đủ là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tấn xã Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. 02 đơn vị chưa có báo cáo là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Với Đài Tiếng nói Việt Nam, báo cáo cho biết, hiện cơ quan này không còn thuộc diện phải gửi báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng do chỉ còn quản lý 01 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.

Theo đơn vị tỉnh/thành phố, còn 01 UBND tỉnh/TP chưa gửi đầy đủ báo cáo là Sóc Trăng.

Cùng với đó, còn 09/63 UBND tỉnh/TP chưa gửi báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với DNNN và doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Lần lượt là: Yên Bái, Kiên Giang, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cao Bằng, Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.

Đáng chú ý, có 2 đơn vị đại diện chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp quy mô lớn là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) và UBND TP.HCM thường xuyên xuất hiện trong danh sách thiếu báo cáo hay báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Tài chính.

Trong đó, theo Bộ Tài chính, UBQLVNN mới gửi báo cáo giám sát của 6/19 doanh nghiệp do ủy ban này làm đại diện chủ sở hữu.

Với diễn biến trên, Bộ Tài chính đã có kiến nghị trong văn bản đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc lập báo cáo đầy đủ, đúng thời hạn và gửi về Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 200/2015/TT BTC của Bộ Tài chính để kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan đại diện chủ sở hữu tăng cường công tác giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định, đặc biệt là những doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, kết quả kinh doanh lỗ, có lỗ lũy kế.

Ngoài ra, liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, thông tin đối với DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ do đơn vị này là cơ quan đại diện chủ sở hữu là nội dung mật. Do đó, căn cứ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2021 của các đơn vị liên quan.

Theo Tuấn Việt

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên