MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính đề xuất nới trần nợ vay tăng 30% so với những địa phương khác cho Đà Nẵng

Bộ Tài chính đề xuất nới trần nợ vay tăng 30% so với những địa phương khác cho Đà Nẵng

Việc nới trần nợ vay lên 60% cao hơn 20% so với hiện nay và cao hơn 30% so với địa phương khác giúp Đà Nẵng có thêm gần 2.500 tỷ đồng mỗi năm để đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Đà Nẵng được hưởng theo phân cấp, nhằm giúp thành phố có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bởi nguồn cân đối từ ngân sách của thành phố hiện chưa đáp ứng được nhu cầu này. Cụ thể, Đà Nẵng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Theo đó, dư nợ vay tối đa của thành phố năm nay là khoảng 7.470 tỷ đồng, tăng 2.492 tỷ đồng so với quy định hiện hành.

Bộ Tài chính cho rằng việc được nâng mức dư nợ vay lên 60% giúp thành phố không phải trả lãi, huy động vốn đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách và bền vững nợ công của thành phố.

Trước đó, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, Đà Nẵng cũng đề xuất được huy động vốn đầu tư phát triển với mức tổng dư nợ vay lên đến 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp, cao hơn 20% so với hiện nay và cao hơn 30% so với những địa phương khác. Tuy vậy, mức dư nợ này vẫn thấp quy định tối đa áp dụng cho TP HCM là 90%. Đà Nẵng cho rằng việc tăng hạn mức dư nợ đảm bảo thành phố có thêm dư địa được vay và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như hiện nay. Đồng thời, việc tăng hạn mức tạo điều kiện cho thành phố có thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động vốn đầy đủ, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương.

Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng cho biết dự thảo nghị định mới nếu được thông qua sẽ tạo thêm đòn bẩy, giúp thành phố phát triển mạnh mẽ hơn. Trường hợp thành phố cần thêm nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển nhưng thiếu, thành phố phải vay. Việc vay thì phải trả nên khi nào náo bí quá thành phố mới tính đến giải pháp này, không phải có mức trần đó là vay ngay.

Hiện Đà Nẵng cần khoảng 6,3 tỷ USD để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, nổi bật như dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng vay khoảng 314 triệu USD từ WB, dự án cảng Liên Chiểu dự kiến cần 147 triệu USD; dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm Đà Nẵng (gồm 2 trục: Đông - Tây, Nam - Bắc) dự kiến cần 4 tỷ USD; dự án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng dự kiến 201,4 triệu USD;…

Bộ Tài chính cho rằng để thành phố Đà Nẵng phát triển, trong thời gian qua Đảng, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ ra rằng cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành, những vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, việc quản lý quy hoạch đô thị, đất đai và nguồn vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu phát... Do vậy, Đà Nẵng cần thiết phải có được cơ chế, chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thành phố phát triển bền vững.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi quy định về “phân cấp quy hoạch đô thị” theo hướng căn cứ quy hoạch chung, chương trình phát triển đô thị được duyệt, UBDN thành phố quyết định khu vực phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện. UBND thành phố được quyết định chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt tại những khu vực đã được đầu tư hạ tầng, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng.

Theo Bộ Tài chính, đề xuất này nhằm đẩy mạnh công tác phân cấp quản lý về địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo và tăng cường năng lực chuyên môn trong công tác thẩm định quy hoạch, phát triển đô thị của sở chuyên ngành cũng như UBND Thành phố nói chung. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, số lượng cuộc họp, chi phí đi lại và rút ngắn quy trình lập khu vực phát triển đô thị; nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên