Bộ Tài chính “mách nước” ưu đãi thuế với phụ tùng ô tô
Bộ Tài chính cho rằng một số nước cũng áp dụng quy định cho trừ giá trị linh kiện nhập khẩu hoặc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước trong một thời gian ngắn 3-5 năm. Mục đích là để trong trường hợp bị kiện thì quy định ưu đãi cũng hết hiệu lực.
- 31-01-2019Những điều cần kiểm tra trên xe ô tô trước Tết
- 29-01-2019Cận cảnh mẫu ô tô đẹp long lanh của Suzuki giá chỉ từ 177 triệu đồng
- 28-01-2019Chiếc ô tô giá 136 triệu đồng mà 12.000 người đặt mua trong vòng 12 ngày có gì đặc biệt?
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 655/BTC-CST gửi Thủ tướng về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 108/2015/NĐ-CP.
Đáng chú ý, trong số đó có ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng như sau: “Đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo thêm về việc giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các linh phụ kiện, phụ tùng sản xuất trong nước cho xe ô tô thì điều chỉnh ở văn bản nào”.
Bộ Tài chính cho hay, nội dung quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước đang được quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.
Cụ thể, sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 70/2014/QH13.
Theo văn bản này, Khoản 1 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau: Đối với hàng hoá sản xuất trong nước, hàng hoá nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.
Trường hợp hàng hoá chịu thuế TTĐB được bán cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu. Hoặc cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có mối quan hệ liên kết thì giá tính thuế TTĐB không được thấp hơn tỷ lệ % so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra theo quy định của Chính Phủ.
Căn cứ các quy định tại Luật này, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước thuộc diện chịu thuế TTĐB (trong đó có ô tô) là giá do cơ sở sản xuất bán ra. Do vậy, trường hợp sửa đổi quy định giá tính thuế TTĐB ô tô theo hướng không tính thuế TTĐB đối với linh kiện phụ tùng tạo ra trong nước thì phải sửa quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật thuế TTĐB.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho hay, theo Quy tắc đối xử quốc gia, các bên ký kết thừa nhận rằng các khoản thuế và khoản thu nội địa, cũng như luật, hay các quy tắc yêu cầu tác động tới việc bán hàng, chào bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm nội địa... không được áp dụng với sản phẩm nội địa hoặc nhập khẩu với kết cục là bảo hộ hàng nội địa.
Còn tại Điều III Khoản 5 lại quy định, không một bên ký kết nào sẽ áp dụng hay duy trì một quy tắc định lượng nội địa nào pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm tính theo khối lượng cụ thể hay tỷ lệ nhất định của bất cứ một sản phẩm nào chịu sự điều chỉnh của quy tắc đó phải được cung cấp từ nguồn nội địa.
Thêm vào đó, không một bên ký kết nào sẽ áp dụng quy tắc định lượng trong nước theo cách nào khác trái với các nguyên tắc đã quy định tại Khoản 1.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính lo ngại rằng nếu hướng dẫn giá tính thuế TTĐB được trừ đi giá trị linh kiện sản xuất trong nước “có thể sẽ vi phạm cam kết về phân biệt giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.
Dẫu vậy, Bộ Tài chính cho rằng một số nước cũng áp dụng quy định cho trừ giá trị linh kiện nhập khẩu hoặc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước trong một thời gian ngắn 3-5 năm. Mục đích là để trong trường hợp bị kiện thì quy định ưu đãi cũng hết hiệu lực.
Do vậy, Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu để trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định khi sửa Luật thuế TTĐB.
Tiền phong