MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính: Sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Bộ Tài chính: Sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Tổng khối lượng phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp BĐS từ năm 2019 đến nay khoảng 500.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản (BĐS) cho biết để phát triển thị trường trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất tập trung vào các nhóm giải pháp chính.

Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sau kiểm tra sẽ công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm để tăng tính răn đe.

Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư.

Bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Trước mắt, Bộ đang trình Chính phủ và sẽ tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý tại Nghị định số 153 nhằm quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả, vừa đảm bảo hạn chế và kiểm soát được các rủi ro, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục thường xuyên cung cấp thông tin, cảnh báo, khuyến nghị thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về các rủi ro đối với nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Bộ Tài chính: Sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành trái phiếu - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo ông Chi, trong nửa đầu năm, doanh nghiệp BĐS huy động gần 90.000 tỷ đồng trái phiếu. Trên 280 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu để huy động vốn. Riêng năm 2021, thị trường có 174 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu, chiếm 33,6% tổng khối lượng phát hành.

Quy mô huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS trên thị trường trái phiếu ngày càng tăng. Tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm này từ năm 2019 đến nay khoảng 500.000 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp lớn, tình hình hoạt động tốt cũng đã mở rộng phát hành ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng phát hành đạt 1,3 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2021.

Qua công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính đánh giá bên cạnh những doanh nghiệp niêm yết đầu ngành có tỷ lệ dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu dưới 5% thì còn một số doanh nghiệp là công ty chưa đại chúng, quy mô nhỏ nhưng có có hệ số nợ vay cao. Một số doanh nghiệp huy động vốn với lãi suất cao trong khi kỳ hạn trái phiếu phát hành chỉ khoảng 2 - 4 năm đặt ra vấn đề về khả năng cân đối vốn nếu tình hình thị trường gặp khó khăn.

Các ngân hàng thương mại là nhóm nhà đầu tư lớn nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp BĐS. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân cũng nắm giữ khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp BĐS do các đặc điểm về lãi suất cao, kỳ trả lãi linh hoạt. Trong bối cảnh thị trường BĐS phát triển chưa bền vững, điều này sẽ phát sinh các rủi ro nhất định kể cả đối với trái phiếu có tài sản đảm bảo.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng mặc dù hiện nay dư nợ trái phiếu doanh nghiệp BĐS mới tương đương khoảng 18,6% so với dư nợ tín dụng BĐS của các ngân hàng thương mại nhưng rủi ro có sự liên thông tác động qua lại giữa các thị trường, cần phải được theo dõi chặt chẽ.

Theo Khổng Chiêm

Người Đồng Hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên