Bộ Tài chính yêu cầu kiểm soát chặt giá trông giữ xe tại lễ hội
Trước thực tế giá trông xe tự phát quanh địa điểm tâm linh (đình, đền, chùa, di tích văn hoá) tăng trong ngày đầu năm, Bộ Tài chính vừa đề nghị địa phương kiểm soát chặt giá vé trông giữ xe mùa lễ hội.
- 27-01-2023Doanh nghiệp tất bật chuẩn bị lô hàng nông sản xuất khẩu đầu năm
- 27-01-2023Livestream và những chuyện tưởng như không tưởng
- 27-01-2023Toyota thay CEO
Bộ Tài chính vừa có báo cáo tổng hợp về tình hình thị trường và biện pháp quản lý, điều hành giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Một trong những nội dung được Bộ Tài chính lưu ý là đề nghị kiểm soát giá vé trông xe tại đền, chùa, lễ hội.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc niêm yết giá dịch vụ trông giữ xe, giải trí, đi lại ngày cao điểm du xuân và đi lễ của người dân.
“Sau Tết, nhiều lễ hội trên diễn ra trên cả nước. Nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm của người dân có xu hướng tăng. Trong tháng 2 và quý I/2023, bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả đối với mặt hàng dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, Tết. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô)”, Bộ Tài chính nói rõ.
Bộ Tài chính yêu cầu kiểm soát giá trông xe tại lễ hội (Ảnh minh hoạ).
Trước đó, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, giá dịch vụ trông giữ xe, ăn uống, giá đồ lễ thắp hương tăng cao do lượng người dân du xuân đầu năm và đi lễ tăng cao.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu địa phương quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết. Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong dịp sau Tết, xử lý nghiêm các tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
“Đối với mặt hàng xăng dầu, giai đoạn sau Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đề nghị Bộ Công Thương chủ động bám sát tình hình thực tế, có giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống”, Bộ Tài chính kiến nghị.
Tiền Phong