MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ tiền vào đất …vẫn “êm”?

21-04-2022 - 19:24 PM | Bất động sản

Bỏ tiền vào đất …vẫn “êm”?

Trong khi nghe bạn bè đầu tư chứng khoán bị mất tiền, anh Tr lại thấy mình may mắn vì gom hết tiền bỏ vào đất, mặc dù cũng chưa bán ra được. Thế nhưng, theo cách tính toán của nhà đầu tư này, đất càng để càng tăng giá, không thể lỗ được.

Giữa bối cảnh thị trường đang biến động đầu tư vào kênh nào, giữ tiền ở đâu an toàn có lẽ là những trăn trở của không ít nhà đầu tư. Dĩ nhiên, trong đầu tư rủi ro luôn hiện hữu, không có kênh nào an toàn tuyệt đối. Đang bỏ hơn 4 tỉ đồng vào đất vùng ven, chưa ra được hàng như dự định trước đó, anh Tr, một nhà đầu tư hơn 4 năm trên thị trường địa ốc vẫn không mấy lo lắng, vì anh nhắm được thị trường, chưa kể, nguồn vốn đầu tư là tự có.

"Mấy ngày nay nghe bạn bè, anh em đầu tư chứng khoán bị mất tiền, cảm thấy mình còn may mắn khi bỏ tiền vào đất, dù cũng chưa ra được hàng như dự định. Thế nhưng, bản thân không lo lắng vì mảnh đất mua giá trị còn lên nữa, lại không sử dụng đòn bẩy", anh Tr chia sẻ.

Thực tế, khó có thể so sánh giữa các kênh đầu tư. Theo các chuyên gia, trước đến nay chứng khoán và BĐS là 2 kênh đầu tư được giới đầu tư ưa thích. Thế nhưng, khác với chứng khoán BĐS cần dòng vốn lớn để vào thị trường. Giữa bối cảnh thị trường nhiều biến động, khá nhiều NĐT tỏ ra lo lắng bỏ tiền vào đâu để an toàn, bớt rủi ro.

Ở góc độ chuyên gia, từng chia sẻ nhiều lần trên báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, đất nền vẫn là lựa chọn đầu tiên, ưa thích của các NĐT. Trong tương lai, các dự án đất nền nằm trong những vùng trọng điểm quy hoạch theo chính sách của địa phương, tỉnh, thành phố càng được hưởng lợi, giá đất có thể tăng nhanh chóng. Tại phía Nam, đất nền Bình Dương, Long An, Đồng Nai sẽ có tính thanh khoản tốt, giá tăng. Trong khi đó, ở khu vực phía Bắc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang được đánh giá cao nhờ mức giá tốt, tiềm năng tăng giá cao nhờ được sự hậu thuẫn lớn từ hạ tầng.

Theo vị chuyên gia này, nhu cầu hằng năm của thị trường với đất nền luôn rất cao và đây là phân khúc đứng đầu danh sách ưu tiên của các NĐT ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh.

Bỏ tiền vào đất …vẫn “êm”? - Ảnh 1.

Các chuyên gia BĐS đánh giá, hiện nay đang có dấu hiệu một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào BĐS tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn.

Ở một vài thời điểm, dòng tiền tạm đổ vào chứng khoán, và đến nay dòng tiền lại tiếp tục trở lại kênh BĐS.

Theo các chuyên gia, tâm lý nhà đầu tư luôn tin tưởng vào sự hồi phục của thị trường BĐS, vì thị trường chứng khoán cần sự am hiểu. Trong mọi biến động của thị trường, BĐS vẫn là kênh được ưu tiên hàng đầu so với các kênh đầu tư khác, bởi nó đảm bảo tính an toàn, lâu bền và lợi nhuận tốt.

Một năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng giá BĐS vẫn tiếp tục tăng cao, dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường này, thậm chí lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác cũng được hiện thực hoá bằng BĐS, cho thấy, tâm lý của nhà đầu tư luôn tin tưởng vào BĐS. Điểm lại, không chỉ nhà đầu tư cá nhân, mà cả các doanh nghiệp, khi có lợi nhuận, họ cũng chuyển hướng sang đầu tư, phát triển BĐS, cho thấy đây là một kênh đầu tư "vua", sinh lời an toàn và bền vững.

Tuy nhiên, không nên dùng đòn bẩy tài chính đầu tư BĐS trong thời điểm này, bởi nhu cầu vẫn có, nhưng không nói trước được diễn biến kinh tế vĩ mô, nên vẫn có rủi ro đi kèm là lời khuyên của hầu hết chuyên gia trong ngành.  

Với BĐS, Đ nhà đầu tư cần lựa chọn dự án pháp lý đầy đủ, hạ tầng hoàn thiện và định hướng kế hoạch đầu tư trung và dài hạn.

"Nên hạn chế vay mượn – tránh chôn vốn. Thị trường trầm lắng thì đất nền thuộc nhóm sẽ chững lại nhanh nhất. Tính pháp lý của đất nền ở một số khu vực vẫn chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư dễ gặp rủi ro", một chuyên gia trong ngành dành lời khuyên.

https://cafef.vn/bo-tien-vao-dat-van-em-20220421152019677.chn

Bảo Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên