Bỏ tiền vào kênh nào bớt rủi ro trong bối cảnh thị trường biến động?
Nếu sắp xếp theo thứ tự giảm dần thì bất động sản là kênh rủi ro đứng thứ 3 sau khởi nghiệp và chứng khoán. Hiện khá nhiều NĐT phân vân nên bỏ tiền vào kênh nào, tiếp tục rót tiền hay tháo vốn dự phòng tiền mặt.
Chia sẻ tại Talk show mới đây, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đã chỉ ra 5 kênh đầu tư chính của NĐT, sắp xếp thứ tự giảm dần về mức độ rủi ro, thì BĐS là kênh đứng thứ 3.
Khởi nghiệp được xem là lĩnh vực sẽ có mức độ rủi ro cao không phải là ai cũng thành công. Tỷ lệ thành công khởi nghiệp khá là thấp, xoay quanh ở tầm 10-25% theo quan sát của ông Lực.
Thứ hai, chứng khoán sẽ có mức độ rủi ro thấp hơn nhưng vẫn ở mức độ cao.Trong chứng khoán, cổ phiếu rủi ro hơn trái phiếu.
Thứ ba, lĩnh vực rủi ro tiếp theo là bất động sản.
Thứ tư, an toàn nhất vẫn là gửi tiền tiết kiệm.
Một kênh đầu tư nằm riêng do chưa có khuôn khổ pháp lý là tiền kỹ thuật số. Kênh đầu tư này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cao nên nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.
Vị chuyên gia này dành lời khuyên, đối với nhà đầu tư ứng xử như thế nào với từng kênh là phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Tuy nhiên, bỏ tiền vào kênh nào để hạn chế rủi ro thì nhà đầu tư cần lưu ý các yếu tố.
Đầu tiên, các nhà đầu tư cần nắm rõ khẩu vị rủi ro của mình và hiểu nguồn lực tài chính của mình đến đâu trong trung hạn và dài hạn.
Trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng có 3 nhóm nhà đầu tư, ứng xử thế nào tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư. Nhóm thứ nhất là nhà đầu tư thích rủi ro, sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư kể cả những lúc kinh tế khó khăn. Nhóm này hình dung có thể trong tương lai thì sẽ đạt được những mức độ sinh lời tích cực và sẵn sàng đầu tư vào cả những lĩnh vực, phân khúc rủi ro, thậm chí cả tiền kỹ thuật số.
Nhóm nhà đầu tư thứ hai là những nhà đầu tư trung tính 50 – 50, vừa quan ngại rủi ro vừa không quan ngại về rủi ro lắm. Nhóm nhà đầu tư này sẽ bắt đầu phân tán danh mục đầu tư của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không nên "bỏ trứng vào một giỏ".
Cuối cùng, là những nhà đầu tư e ngại rủi ro thì kênh gửi tiết kiệm ngân hàng là phù hợp.
Thứ hai là phải đa dạng hóa danh mục đầu tư, tức là không bao giờ bỏ trứng vào một giỏ, vì rất rủi ro nhất là trong bối cảnh nhiều biến số, bất định như hiện tại.
Thứ ba là không nên dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều. Những lúc thị trường lên thì không sao, nhưng thị trường có biến cố thì đây là "cả vấn đề". Bởi rủi ro cao là vừa mất tiền đầu tư vào lĩnh vực đó, vừa phải trả tiền lãi suất cho ngân hàng. Đấy là một gánh nặng rất là nguy hiểm.
Thứ tư, nhà đầu tư cố gắng chuyên nghiệp hơn. Ban đầu có thể là F0, chưa có kiến thức thông tin hay kinh nghiệm gì về lĩnh vực đầu tư, thế nhưng sau này chúng ta phải chịu khó học hỏi. Những NĐT này nên học hỏi theo hướng nhà đầu tư chuyên nghiệp, như thế mới có thể là lâu bền và tránh được tâm lý đám đông, tâm lý bầy đàn để những lúc rủi ro xảy ra khi đầu tư.
Cũng chia sẻ trước đó, ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam VREC cho rằng, trong 5 kênh đầu tư mà nhà đầu tư cần chú ý trong giai đoạn sắp tới, bất động sản đang nằm ở vị trí tiệm cận áp cuối, tức rủi ro vẫn có nhưng đi kèm là khả năng sinh lời tốt.
Theo ông Bảo, thị trường bất động sản đang có ưu thế dù thanh khoản không nhanh bằng chứng khoán. Nhưng bù lại dù chính trị - kinh tế của quốc gia có rơi vào những tình huống xấu thì thị trường bất động sản cũng không ảnh hưởng nhiều bằng chứng khoán.
So với điều đó, việc mua một căn hộ hay một căn nhà phố thì vẫn an toàn hơn rất nhiều. Ở vị trí bất động sản thuận tiện, thì trung bình phí cho thuê cỡ khoảng từ 0,1-0,4% một tháng, tương đương trung bình 4%/ năm. Cộng thêm có tích sản tăng lên trong giá trị của nhà đất khá là cao, trong vài năm cộng thêm lãi suất thì vẫn cao hơn lãi suất gửi ngân hàng.
Có thể thấy, khó khăn hiện tại của thị trường chủ yếu đến từ việc vắng bóng các hoạt động lý tính: mở bán, giao dịch, xem đất… chứ nhu cầu của nhà đầu tư trường vốn vẫn còn cao.
Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, tham gia đầu tư ở bối cảnh thị trường nhiều biến động nhà đầu tư cần xác định đó là cuộc đua đường trường. Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư trước khi xuống tiền cho các phân khúc bất động sản tỉnh lẻ, cũng cần lưu ý kỹ ba vấn đề. Đầu tiên là phải xác định đầu tư dài hạn. Thứ hai là phải có cái sự chuẩn bị về mặt tài chính và có kế hoạch cụ thể, luôn có kế hoạch phòng trừ trong trường hợp rủi ro hay thị trường biến động. Thứ 3 là phải luôn luôn có sự theo dõi về biến động thị trường.
Với BĐS vùng ven, theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, nhà đầu tư cũng cần nên cẩn trọng khi chọn mua. Thứ nhất là dòng tiền dài hạn bởi bất động sản tỉnh lẻ còn gắn với câu chuyện hạ tầng, không phải vùng nào cũng có thể "đánh nhanh thắng nhanh". Mà thực chất nhà đầu tư phải cầm cự trong lâu dài. Thứ hai là chọn sản phẩm phù hợp với thị hiếu của đại đa số người mua. Đối với sản phẩm giáp ranh các thành phố lớn thì nhà khoảng 2-3 tỷ có thanh khoản rất tốt, trong khi đó các bất động sản có mức giá từ 10 tỷ trở lên thì gần như rất khó ra hàng.
"Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư dù đánh ở trận đánh nào, dù thành phố hay nông thôn, thì bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực vẫn là vũ khí sắc bén nhất, cho thanh khoản tốt nhất, cho lợi nhuận ổn định nhất. Ngay cả trong thời gian dịch bệnh hay khủng hoảng của thị trường thì cung – cầu bất động sản cho người mua để ở, cho các gia đình trẻ an cư luôn giữ được sự ổn định, hoặc chỉ có thể đứng im, chứ không bao giờ sụt giảm hay biến mất", ông Phúc nhấn mạnh.