MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ trần giá sữa, giá vẫn được quản nhưng ở “trạng thái mới”

14-04-2017 - 22:00 PM | Thị trường

Việc giá sữa tạm “yên ổn” có lý do là bởi thị trường tạm ổn định hay do chính sách kìm hãm giá của chúng ta…?

Ngày 14/4, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Thông tư về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo Bộ này, biện pháp bình ổn giá sữa bằng giá trần đã kéo dài gần 3 năm song hiện thị trường thế giới và trong nước có sự ổn định. Sắp tới, bộ sẽ tiếp tục quản lý giá nhưng ở “trạng thái mới”, theo quy định của Luật giá và các quy định hiện hành.

Cụ thể, thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng phải thông báo mức giá đến cơ quan chức năng có thẩm quyền khi điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó.

Tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư kí Hiệp hội sữa Việt Nam cho rằng, cần phải phân tích việc giá sữa tạm “yên ổn” có lý do là bởi thị trường tạm ổn định hay do chính sách kìm hãm giá của chúng ta. Nếu phân tích được nguyên nhân thì mới có biện pháp tiếp theo thế nào cho phù hợp và bền vững.

Ngoài ra, ông Quỳnh cũng chỉ ra vấn đề tồn tại trong thực tế là mạng lưới kinh doanh ở địa phương rất phong phú, từ siêu thị đến cửa hàng quy mô lớn, cửa hàng quy mô hộ gia đình nên phát sinh nhiều vấn đề.

“Ý kiến của chúng tôi là không ủng hộ giá trần nhưng cần sắp xếp, phân định, quản lý rõ ràng bởi lẽ, có thể bên trên rất nghiêm túc, công khai, minh bạch nhưng địa bàn rộng ngoài đường ngoài chợ thì sao? Hy vọng ban biên soạn dự thảo phải có những phân tích điều tra, biên pháp hiệu quả phục vụ đực mục đích chính của thông tư này”, ông Quỳnh nói.

Một ý kiến khác tại hội thảo cho rằng dù Bộ Công Thương kiến nghị bỏ giá trần nhưng không có nghĩa là buông quản lý. Bộ có thể quản lý qua giá tối đa, tối thiểu, đăng ký giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá…

“Cần hết sức theo dõi chặt chẽ thị trường, nếu biến động không bình thường phải có biện pháp kịp thời. Cơ chế thị trường luôn biến động, không ổn định mãi được nên phải giám sát”, vị đại biểu này nói.

Ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư này cho biết, sau khi kết thúc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá, giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi sẽ được quản lý theo hướng các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về kê khai giá; Doanh nghiệp được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các chính sách của Nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, tỉ giá, giá nhập khẩu... biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh và giá bán sữa.

Cụ thể, trong trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 5% thì thực hiện gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh mới cho cơ quan tiếp nhận văn bản trước khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ cộng dồn vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định.

Doanh nghiệp phải công khai thông tin về giá đã kê khai, niêm yết trong toàn hệ thống phân phối (nếu có); thực hiện bán không cao hơn giá niêm yết.

Bộ Công Thương sẽ quản lý giá bán lẻ sản phẩm hàng hóa cuối cùng đến người tiêu dùng trong toàn hệ thống phân phối sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi của các doanh nghiệp đầu mối sản xuất, nhập khẩu đã kê khai.

Sau khi doanh nghiệp đầu mối thực hiện hoàn tất việc kê khai giá sản phẩm hàng hóa của mình tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Sở Công Thương công khai giá bán lẻ này trên phạm vi cả nước (thông qua website của Bộ, của Sở và các doanh nghiệp...).

Trên cơ sở mức giá này các cơ quan chức năng trên các địa bàn sẽ cùng với doanh nghiệp đầu mối giám sát mức giá bán lẻ này trên toàn hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

Trở lên trên