Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: Vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn chỉ rõ những mặt hạn chế như: Vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm. Một số cá nhân còn đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm...
- 30-11-2023Bộ KH&ĐT: 3 kịch bản xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chưa khả thi
- 20-11-2023Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Hydrogen xanh nổi lên như một giải pháp trong tiến trình hướng tới “tương lai xanh”
- 16-10-2023Bộ KH&ĐT kiến nghị 3 giải pháp với doanh nghiệp FDI
Hôm nay (11/1), tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự Hội nghị.
Điểm sáng trong bức tranh nhiều màu xám
Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định sẽ nỗ lực, trí tuệ và đột phá hơn nữa trong công tác tham mưu, nhằm đưa nền kinh tế hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Năm 2023, mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn đạt được một số kết quả nổi bật, như: kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát trong nước được kiểm soát; tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới.
"Chúng ta đã phát triển hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về phát triển, phù hợp với thế và lực mới của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương ở cả hiện tại và tương lai", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong đầu tư công, đã nỗ lực khắc phục bằng được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… các "quả đấm thép" cho đột phá hạ tầng của đất nước và các địa phương.
Trong quy hoạch, Luật Quy hoạch được thông qua, cắt giảm hơn 20.000 quy hoạch trước đây xuống còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; từ 50 quy hoạch ngành cấp tỉnh tích hợp trong 01 quy hoạch tỉnh duy nhất.
Khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, tổ chức lại không gian phát triển của các ngành và địa phương; vận dụng hiệu quả cơ chế thị trường để loại bỏ hơn 3.000 quy hoạch sản phẩm các loại, giúp loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh và giấy phép con...
Vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt hạn chế như: Vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm. Một số cá nhân còn đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, thiếu khát vọng cống hiến, chưa làm tròn trách nhiệm, chưa đáp ứng yêu cầu công việc; đời sống của một bộ phận cá nhân còn khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Cần kiên định, đấu tranh vượt qua tư duy bảo thủ, trì trệ, ngại thay đổi, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết. Đồng thời, theo sát, nắm chắc tình hình thế giới, trong nước, chủ động nghiên cứu, tìm tòi hướng đi, giải pháp mới kịp thời, hiệu quả trong tham mưu chính sách, triển khai công việc, nhiệm vụ được giao.
"Những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm nêu trên không phải của riêng một tập thể, một cá nhân, mà trong mỗi con người chúng ta, tại một thời điểm, trong một công việc nào đó, đòi hỏi mỗi chúng ta phải luôn cố gắng, nỗ lực và quyết tâm vượt qua chính mình để luôn tự hào và phát huy truyền thống lịch sử của toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư và Thống kê, đồng hành và nỗ lực trong mỗi bước ngoặt, chặng đường phát triển mới của đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
10 nhiệm vụ then chốt
2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bước vào giai đoạn nước rút, giai đoạn tăng tốc trong thực hiện Kế hoạch 05 năm 2021-2025; chuẩn bị nền tảng để đón nhận thời cơ, vận hội mới cho bước ngoặt của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 10 nhiệm vụ then chốt của ngành kế hoạch và đầu tư trong năm 2024:
(1) Thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu với Đảng, Nhà nước về tổng kết 40 năm Đổi mới và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030.
Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, làm rõ vị thế, tầm vóc mới của nước ta sau những thành tựu đối ngoại lịch sử trong năm 2023; thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới và yêu cầu đặt ra để phát triển nền kinh tế nước ta “cạnh tranh, sáng tạo, tự chủ và hội nhập, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” đến năm 2030.
(2) Tập trung triển khai ngay Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ với tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, linh hoạt và hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành hoặc hoàn thành cao hơn mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đã đề ra để tạo tiền đề phát triển cho năm 2025 và cho cả giai đoạn phát triển 2021-2025.
(3) Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục đưa vốn đầu tư công là vốn mồi để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026-2030 gắn với các nghị quyết của Bộ Chính trị, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và địa phương.
Trong giai đoạn 2026-2030, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5.000 km đường cao tốc; hạ tầng đường sắt (đặc biệt là triển khai dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam), hệ thống cảng biển, các tuyến kết nối để hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
(4) Nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác và chất lượng công tác tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô. Mục tiêu nhất quán là ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
(5) Hoàn thành và trình phê duyệt 05 quy hoạch vùng còn lại trong quý I năm 2024; tham mưu, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã ban hành, tạo động lực, không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và tỉnh.
(6) Tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, giải quyết các vấn đề có tính vùng và tạo ra các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước.
(7) Nắm bắt phản ánh của doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài.
Năm 2024, đầu tư tư nhân dự báo tiếp tục khó khăn, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng, hỗ trợ phát triển nhiều ngành, lĩnh vực. Bộ và toàn ngành cần tiếp tục tập trung tham mưu chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc kéo dài.
(8) Tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Mục tiêu là để tận dụng xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển.
(9) Phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả các trung tâm ở các vùng, địa phương, góp phần thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước; xác định và tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, có thể tận dụng, đi tắt đón đầu cùng xu thế phát triển của thế giới; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nước.
(10) Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng và hoàn thiện hơn nữa các thể chế, chính sách để cụ thể hóa các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ…, cũng như các xu thế phát triển về đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo… Hoàn thiện đề án đào tạo nhân lực cho ngành chíp, bán dẫn để sẵn sàng, chuẩn bị đón nhận những cơ hội, dự án phát triển ngành bán dẫn… Mục tiêu chiến lược là xanh hóa nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
VOV