Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: Cần chấm dứt tình trạng “được mùa rớt giá”
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: "Bộ đang phối hợp với các hiệp hội địa phương nhằm tập trung phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu với mục tiêu không chỉ đạt giá trị xuất khẩu 33 tỷ USD mà quan trọng hơn là chấm dứt tình trạng "được mùa rớt giá", tăng giá trị và thu nhập cho bà con nông dân".
- 02-07-2017Bất chấp công cuộc "giải cứu", giá thịt lợn nhiều địa phương vẫn giảm 1.000-4.000 đồng/kg trong tháng 6
- 01-07-2017Giá thịt lợn dù được “giải cứu” nhưng vẫn thấp thê thảm
- 23-06-2017Thịt lợn, thịt gà Việt Nam “khó từ khâu sản xuất đến tiêu thụ”
Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất, đó là việc tiếp tục phải đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu và thứ hai là thách thức lớn từ thị trường".
"Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã xác định thách thức hết sức khốc liệt, tuy nhiên, qua quá trình tổ chức thực hiện với sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, của toàn ngành và của bà con nông dân, đến giờ phút này kết quả 6 tháng 3 mục tiêu cơ bản của ngành đã đạt được những kết quả khả quan", Bộ trưởng cho biết.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng, so với nhiệm vụ Chính phủ giao 3 %/ năm thì 6 tháng đầu năm đạt 2,65%, đây là kết quả khá khả quan trong điều kiện rất khó khăn trên. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu, GDP toàn ngành nông nghiệp tăng 2,65% , trong đó nông nghiệp tăng 2,01%, lâm nghiệp tăng 4,31%, thủy sản tăng 5,08%; giá trị sản xuất NLTS tăng 2,81%, trong đó: trồng trọt tăng 1,66%, chăn nuôi tăng 2,88 %; lâm nghiệp tăng 4,45%, thuỷ sản tăng 5,17%.
Thứ hai, mục tiêu về xuất khẩu, qua 6 tháng xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tất cả các ngành hàng lớn đều đảm bảo chỉ tiêu đề ra. Thứ ba là số xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Theo chỉ tiêu chính phủ đề ra chúng ta phải đạt được 30% số xã thì đến thời điểm này chúng ta đã đạt được trên 30%. Như vậy, "tính đến giờ phút này các mục tiêu chung của ngành nông nghiệp, chúng ta đều đã tiếp cận và đảm bảo đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra", Bộ trưởng cho biết thêm.
Mặc dù, 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả nêu trên nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3,05% GDP toàn ngành mà Chính phủ đề ra đòi hòi sự chỉ đạo quyết liệt để giải quyết 2 nút thắt.
Một là, phải tổ chức sản xuất theo quy mô tập trung, hai là tăng cường chế biến vốn đang là khâu yếu nhất và thứ ba là khâu mở thị trường. Ngành cũng nhận thức rất rõ về vấn đề này, trong nhóm giải pháp từ nay đến cuối năm, ngành đang phối hợp với trung ương, địa phương, các tổ chức hiệp hội ngành hàng để giải quyết.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung cùng phối hợp với Bộ KH&ĐT sớm hoàn thiện chỉnh sửa Nghị định 210, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, làm hạt nhân liên kết sản xuất với bà con nông dân để phát triển chế biến.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang phối hợp với các hiệp hội địa phương nhằm tập trung phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu với mục tiêu không chỉ đạt giá trị xuất khẩu 33 tỷ USD mà quan trọng hơn là chấm dứt tình trạng "được mùa rớt giá", tăng giá trị và thu nhập cho bà con nông dân.
Về thị trường thịt lợn , Bộ trưởng cho biết Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức một hội nghị về xuất khẩu thịt lợn ở phía Bắc. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Chúng ta không chỉ nhắm đến thị trường Trung Quốc mà chúng ta còn chú ý khai thác các thị trường khác, kể cả các sản phẩm thịt lợn sữa, thịt lợn nhỡ.
Bên cạnh đó, "ngoài xuất khẩu nguyên con, chúng ta cũng đang chuẩn bị tích cực cơ sở vật chất cũng như phương tiện để tiến tới xuất khẩu thịt lợn mảnh đang là một trong những yêu cầu để giúp ngành chăn nuôi sớm phục hồi và quan trọng hơn là tạo đà để ngành chăn nuôi phát triển bền vững", Bộ trưởng cho biết thêm.
BizLive