Bộ trưởng Công Thương: 'Chúng ta đang làm méo thị trường'
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, quy định yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh khí phải có 100.000 bình và bồn chứa 300 mét khối là “làm méo thị trường”.
- 07-09-2016Habeco và Sabeco sắp lên sàn, nhưng yêu cầu sau của Bộ Tài chính có thể khiến hai ông lớn ngành bia… mất giá
- 07-09-2016Nhật Bản cung cấp khoản vốn vay ODA 11 tỷ yen cho Việt Nam
- 07-09-2016Thủ tướng, Điều 292 và Chính phủ biết lắng nghe dân
Đây là những điều kiện kinh doanh tại Nghị định 19 năm 2016, do Bộ Công Thương xây dựng trình Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/5/2016. Đây là một trong những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương bị các doanh nghiệp phàn nàn nhiều nhất trong thời gian qua.
Tuy nhiên, những vướng mắc này sẽ được sửa đổi trong thời gian tới, theo phản ánh của Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Theo báo này, tại cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, cho biết các doanh nghiệp phản ánh năm điều kiện kinh doanh làm khó cho họ, trong đó đáng chú ý nhất là doanh nghiệp kinh doanh khí “phải sở hữu” 100.000 chai LPG (bình gas) loại 12 ki lô gam và “phải sở hữu” bồn chứa LPG (trạm nạp gas) tối thiểu là 300 mét khối. Các doanh nghiệp kiến nghị, cần giảm số lượng chai, cũng như bỏ quy định “phải sở hữu” với bồn chứa.
Trong dự thảo văn bản mới về vấn đề này, ông Tân đề nghị giảm số bình gas xuống còn 30.000-50.000, và bồn chứa còn 50 mét khối. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh quy định doanh nghiệp “phải sở hữu” thành “có thể sở hữu”, hoặc “đi thuê” trạm nạp gas.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương, ông Võ Văn Quyền, phản đối phương án này. Khẳng định các doanh nghiệp kinh doanh gas quy mô lớn, và hiệp hội gas đề nghị giữ nguyên các điều kiện kinh doanh này, ông Quyền nói: “Ta theo kinh tế thị trường thì Nhà nước phải xây dựng thể chế để tạo lập thị trường. Vì khí là mặt hàng nhạy cảm nên chúng ta cần có chủ thể (doanh nghiệp) vững chắc trên thị trường”. Ông Quyền cho quy định như trong Nghị định 19 nhằm cung ứng cho người dân “ít nhất một tháng”.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hỏi luôn: “Vậy tỉnh Hưng Yên thì cần bao nhiêu bình? Anh khảo sát chưa?”, ông Quyền đã không trả lời.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đặt câu hỏi: “Tại sao lại ra quy định 100.000 bình và 300 mét khối, mà không phải là 110.000 bình và 350 mét khối? Lý do nào buộc doanh nghiệp phải sở hữu kho chứa?”. Ông Khánh bình luận, quy định như vậy thì chết doanh nghiệp.
Ông Khánh nói, ông nghĩ ông Quyền muốn xây dựng thị trường gas có trật tự. “Nhưng tôi không đồng ý. Cần tôn trọng nguyên tắc thị trường, cần có quy định an toàn cho trạm chiết gas để doanh nghiệp có thể sở hữu, hoặc đi thuê... Quy định 100.000 bình và bồn chứa 300 mét khối thì chúng ta không có cách nào lý giải đâu. Tốt nhất là để thị trường quyết định”.
“Chúng ta đang làm méo thị trường”
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: “Chúng ta theo kinh tế thị trường thì Nhà nước không thể lo mọi chuyện. Anh Quyền nói quy định 100.000 bình và 300 mét khối để đảm bảo nhu cầu của người dân. Vậy có lẽ cũng cần phải quy định ông hàng gạo cần có kho bao nhiêu tấn, không thì tỉnh đó chết đói hay sao?”. Rồi ông khẳng định: “Chính chúng ta đang làm méo thị trường”.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận xét ban soạn thảo chưa thuyết phục được sự cần thiết của các điều kiện kinh doanh trong Nghị định 19. Theo ông, “các điều kiện kinh doanh này chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường, không phản ánh đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp, và của Chính phủ”.
Ông kết luận, không có cơ sở để quy định 100.000 bình gas và bồn chứa 300 mét khối; và không quy định “phải sở hữu” trạm nạp trong nghị định để doanh nghiệp có thể đi thuê ngoài. Ông cho biết Bộ Công Thương sẽ sớm gửi báo cáo lên Chính phủ đề nghị sửa đổi Nghị định 19.
Theo nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia, quy định về số lượng bình gas tối thiểu hay dung tích tối thiểu của kho chứa… khiến chi phí gia nhập thị trường trở nên rất lớn, tạo vị trí độc quyền cho các doanh nghiệp lâu năm, trong khi hạn chế các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường.
Thực tế cũng cho thấy các quy định cứng nhắc về sản lượng tối thiểu là không phù hợp. Nhiều doanh nghiệp ở Hà Giang cho hay cả tỉnh mỗi tháng chỉ tiêu thụ khoảng 300 tấn gas, nếu doanh nghiệp phải đầu tư các bồn có dung tích 400 mét khối (chứa 180 tấn gas) như yêu cầu của dự thảo là không cần thiết, tồn trữ lớn khiến việc đầu tư trở thành gánh nặng về tài chính. Số lượng 100.000 vỏ bình cũng là quá nhiều khi doanh nghiệp chỉ cần 60.000 vỏ là đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Doanh nghiệp buộc phải mua thêm 40.000 bình rồi để trong kho là lãng phí, không đúng với quy luật cung cầu của thị trường.
Chinhphu.vn