Bộ trưởng Công Thương: Phát triển điện hạt nhân là xu hướng tất yếu
Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Quốc hội chiều ngày 30/5
Tại COP 26 vừa qua, các quốc gia cam kết về việc phát triển năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió), tuy nhiên, để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo này nhất thiết phải có một nguồn điện nền ổn định. Trong bối cảnh Việt Nam đã hết dư địa để phát triển điện nền (nhiệt điện than và thuỷ điện), Bộ Công Thương cho rằng phát triển điện hạt nhân là xu hướng tất yếu.
- 30-05-2022Sốt ảo, thao túng thị trường đất đai do không thông tin quy hoạch
- 30-05-2022Loạt doanh nghiệp nhà nước đầu tư thua lỗ nghìn tỷ
- 30-05-2022Tháng 5, doanh thu du lịch lữ hành tăng hơn 324%
Thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra chiều ngày 30/5, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện yêu cầu của Tổng Thư ký Quốc hội và yêu cầu của Đoàn Giám sát của Quốc hội, Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch của Bộ Công Thương kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Bộ Công Thương đã triển khai nghiêm túc chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch. Những tồn tại, hạn chế của Bộ Công Thương chủ yếu là chưa đạt tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030 so với yêu cầu và kỳ vọng. Về hạn chế này, Bộ Công Thương đã phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tổ chức, cá nhân, đồng thời đã có giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ.
Đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành 4/5 quy hoạch ngành quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương gồm các quy hoạch: Điện, năng lượng, khoáng sản và hạ tầng dầu khí. Trong đó, 1 quy hoạch đã thẩm định xong trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch điện VIII), còn lại 3 quy hoạch ngành đang trong quá trình thẩm định.
Riêng quy hoạch ngành về thăm dò, khai thác, khoáng sản, Bộ trưởng cho biết hiện chưa đủ điều kiện để xây dựng quy hoạch này do thiếu dữ liệu điều tra về chất lượng. Việc này Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm nhiệm nhưng chưa thực hiện xong. Bộ Công Thương đã có báo cáo Chính phủ xin phép lùi thời hạn lập quy hoạch ngành về thăm dò, khai thác, khoáng sản đến năm 2023.
Đề xuất bổ sung các quy hoạch ngành quốc gia về công nghiệp
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ đồng ý về các giải pháp chủ yếu trước mắt mà Chính phủ đã đề xuất để Quốc hội ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập và để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch các ngành, các cấp thời kỳ 2021-2030.
Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ Công Thương cho rằng cần thiết phải tổng kết, đánh giá, rà soát để điều chỉnh Luật Quy hoạch phù hợp với thực tiễn, theo đó, bổ sung các nội dung như: Bộ Công Thương đề nghị bổ sung quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Trong đó có quy định về tiêu chí, nguyên tắc điều chỉnh cục bộ; quy định về trình tự, thủ tục, điều chỉnh cục bộ vừa bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, đồng bộ và bảo đảm việc không điều chỉnh cục bộ tràn lan, phá vỡ tính liên kết, ổn định của hệ thống quy hoạch.
Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị bổ sung vào Danh mục quy hoạch trong Luật Quy hoạch các quy hoạch ngành quốc gia quan trọng để bảo đảm việc thực hiện tốt hơn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (các ngành công nghiệp mang tính nền tảng, không phải là sản phẩm cụ thể như: Ngành công nghiệp hóa chất, ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim, ngành công nghiệp sản xuất ô tô...).
Rà soát, sửa đổi Nghị định, tránh phát sinh thêm thủ tục
Về việc giải trình và làm rõ hơn về các văn bản do Bộ Công Thương xây dựng và ban hành về hướng dẫn công tác quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình ban hành Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý cụm công nghiệp.
"Nghị định này được ban hành sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, các nội dung liên quan đến quy hoạch cụm công nghiệp được sửa đổi phù hợp với Luật Quy hoạch, đó là quy hoạch phát triển cụm công nghiệp không lập riêng mà được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh dưới hình thức phương án phát triển cụm công nghiệp. Như vậy, Nghị định này không có nội dung trái Luật Quy hoạch", Bộ trưởng khẳng định.
Đối với việc quán triệt các nội dung về định hướng phát triển công nghiệp và thương mại tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ trưởng cho biết: Bộ Công Thương đã ban hành văn bản gửi Sở Công Thương (Văn bản số 3415/BCT-CTĐP ngày 14/6/2021) và trong văn bản này có lồng ghép nội dung hướng dẫn Sở Công Thương về việc tích hợp các nội dung về lĩnh vực công nghiệp và thương mại trong Quy hoạch tỉnh làm cơ sở để Sở Công Thương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình lập các hợp phần quy hoạch. Nội dung của văn bản này không có nội dung nào mâu thuẫn với Luật Quy hoạch.
"Tuy nhiên, tại Nghị định 66/NĐ-CP và Văn bản 3415/BCT-CNDP nêu trên có một nội dung về việc: Đề nghị gửi Bộ Công Thương tham gia ý kiến đối với các phương án phát triển cụm công nghiệp nhưng chưa nêu rõ việc lấy ý kiến này không nhất thiết phải thực hiện độc lập mà có thể lồng ghép trong quá trình tỉnh xin ý kiến đối với quy hoạch tỉnh đã gây hiểu lầm là phát sinh thủ tục. Về việc này, trong quá trình rà soát Nghị định về quản lý cụm công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh phù hợp", Bộ trưởng thông tin.
Cần thiết phát triển điện hạt nhân
Đối với ý kiến của các đại biểu về vấn đề xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Việc tạm dừng dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được các cấp có thẩm quyền cho chủ trương và được Quốc hội biểu quyết tạm dừng.
"Cần nói rõ Nghị quyết của chúng ta là ‘tạm dừng’, không phải ‘huỷ bỏ’. Do vậy, về nguyên tắc không có cơ sở về việc bỏ hoàn toàn dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Mặt khác, Ninh Thuận là địa điểm đã được các đối tác cũng như các bộ, ngành liên quan nghiên cứu rất kỹ lưỡng trong thời gian dài và đã khẳng định đây là địa điểm phù hợp nhất để phát triển điện hạt nhân", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin thêm về việc Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ về việc cần thiết phải phát triển điện hạt nhân. Bởi lẽ, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, các quốc gia cam kết về việc phát triển năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió). Nhưng để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo này nhất thiết phải có một nguồn điện nền ổn định.
"Điện nền hiện nay chỉ có nhiệt điện than hoặc thuỷ điện. Nhưng điện than chúng ta đã không còn điều kiện để phát triển và thủy điện cũng đã hết dư địa. Trong khi đó, chúng ta cần phải thực hiện những gì đã cam kết ở COP26 và phát triển điện hạt nhân cũng là xu hướng tất yếu các quốc gia trên thế giới đang thực hiện", Bộ trưởng cho biết.
Người đứng đầu ngành công thương dẫn chứng 2 quốc gia Mỹ và Đức 3 năm qua đã giảm điện hạt nhân nhưng đến nay đã phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn loại hình này, làm cơ sở khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.
Báo Chính Phủ