Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ 3 cơ hội lớn phát triển ngành logistics Việt Nam
Tại Hội nghị toàn quốc về logistics diễn ra sáng 16/4, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã phân tích 3 cơ hội lớn của ngành, đồng thời chia sẻ 3 thách thức lớn mà ngành logistics phải đối mặt.
- 16-04-2018Thủ tướng nhắc lại câu nói của nhà lập quốc Hoa Kỳ để cảnh báo chi phí logistic tại Việt Nam
- 16-04-2018Thủ tướng: Logistics cao đánh chìm 'con tàu' kinh doanh
Doanh nghiệp có cơ hội rất lớn
Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp logistics đang có cơ hội rất lớn để phát triển. Điều đó được thể hiện ở 3 điểm:
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng cao và ổn định trong suốt thập kỷ. Nền kinh tế có độ mở lên tới 190% và mở rất sâu rộng với 12 hiệp định thương mại tự do bao gồm cả những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết. Việc phê duyệt, thực hiện và hàng loạt hiệp định thương mại tư do khác đang được đàm phán, đẩy mạnh,... Nhờ đó, hoạt động luân chuyển hàng hóa được thúc đẩy, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Thứ hai, nỗ lực cải cách của Chính phủ cũng đang mang đến cơ hội rất to lớn với doanh nghiệp. Chính phủ đang thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thực hiện Chính phủ điện tử, cải cách hành chính theo hướng minh bạch, công khai. Tất cả những điều đó cho thấy cơ hội của doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường và tham gia thị trường.
Thứ ba, áp lực về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp đang khốc liệt trong thế giới hội nhập sâu rộng. Nếu các doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội sẽ còn bị thua thiệt nhiều hơn.
Cần có một đầu mối và cách tiếp cận chung về logistics
Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đều phải đối mặt với những thách thức rất lớn.
Một là, trình độ, năng lực của nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn hạn chế. Đặc biệt là trình độ công nghệ, nguồn nhân lực. "Quy mô về kinh tế, cũng như quy mô của từng doanh nghiệp,... đều cho thấy chúng ta hội nhập trong sự tụt hậu và có khoảng cách lớn" – ông Trần Tuấn Anh nói.
Hai là, khuôn khổ, hệ thống pháp luật, môi trường kinh doanh chưa thật sự có sức cạnh tranh dù đã liên tục được hoàn thiện.
Ba là, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu khi đã đi sau thì buộc phải chấp nhận những thua thiệt trong việc xây dựng thương hiệu, tăng cường giá trị gia tăng ở trong nước, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như trong mô hình tổ chức sản xuất và trong tham gia vào các chuỗi giá trị. Trong đó, logistics cũng là một trong những nền tảng rất quan trọng, và cản trở sự tham gia vào chuỗi giá trị đó.
Điều này thể hiện qua 5 nét chính:
Thứ nhất, quản lý nhà nước về logistics của Chính phủ chưa thật hoàn chỉnh, chưa có đầu mối hoàn chỉnh để đảm bảo sự tập trung chỉ đạo thống nhất. Hệ quả là rất nhiều bộ ngành cùng tham gia vào hoạt động logistics, cắt giảm chi phí logistics nhưng chưa có sự đồng bộ, toàn diện.
Thứ hai, quan điểm chính sách cũng chưa có một cách tiếp cận toàn diện thống nhất, giải quyết được đồng bộ các vấn đề đặt ra.
Thứ ba, trình độ nguồn nhân lực trong ngành logistics chưa được quan tâm đúng mức, cản trợ sự phát triển của doanh nghiệp.
Thứ tư, công tác quản lý nhà nước trong các ngành về thương mại còn nhiều bất cập. Đặc biệt trong công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành, hoạt động về xuất nhập khẩu,... dẫn đến việc thông quan hàng hóa, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp bị tốn kém nhiều, thiệt hại về thời gian và vật chất.
Thứ năm, hạ tầng chưa đồng bộ và yếu kém. Hệ thống vận tải đa phương thức, tích hợp chặt chẽ chưa có. Hạ tầng giao thông, quy hoạch các trung tâm logistics thương mại và các lĩnh vực khác có liên quan cũng chưa có sự đồng bộ thống nhất. Tất cả dẫn đến hiệu quả logistics còn mờ nhạt.
Sẽ có giải pháp đi thẳng vào những điểm tắc nghẽn
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, trở ngại lớn nhất đến hiệu quả với hoạt động logistics là doanh nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ. "Chúng ta phải tính đến yếu tố để khắc phục vấn đề này. Không chỉ là tăng quy mô về tài chính. Vấn đề lớn hơn là phạm vi tiếp cận đối với hoạt động logistics, phải tham gia các chuỗi,... Khả năng và tính liên kết cũng cần đặt ra ở đây. Ngoài cần những khuôn khổ pháp lý, còn cần vai trò của hiệp hội để tăng khả năng liên kết theo chuỗi giữa các doanh nghiệp logistic với nhau và giữa các mảng, giữa doanh nghiệp logistics với chủ hàng, kinh doanh thương mại" – ông Trần Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú ý đên khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị. Đây là vấn đề quan trọng trong bối cảnh thương mại điện tử tiếp tục phát triển và trở thành động lực rất quan trọng trong thương mại nói chung và hoạt động logistic nói riêng. Vì vậy, đào tạo nhân lực, cung ứng hạ tầng thông tin để hỗ trợ cho doanh nghiệp là vấn đề rất quan trọng.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong tìm kiếm cơ hội, cập nhật thông tin, chương trình phát triển của Chính phủ. Chương trình của chính phủ liên quan đến hội nhập là vô cùng quan trọng nhưng cũng đòi hỏi sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, liên kết, khai thác cơ hội thị trường.
"Cơ chế đôi thoại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong phản ánh chính sách, đề xuất nhu cầu của doanh nghiệp là cần thiết. Tôi cho rằng diễn đàn như thế này rất quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Chính phủ được tham khảo, phối hợp, tương tác trên nền tảng tính tích cực, xây dựng...
Một hội nghị về logistics với sự tham gia trực tiếp của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng bộ ngành có liên quan, các lãnh đạo của rất nhiều cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế cho thấy tầm quan trọng của vấn đề đã được nâng lên rất cao. Chúng ta sẽ được chứng kiến các chương trình hành động sắp tới của Chính phủ và cả hệ thống chính trị đi thẳng vào những điểm tắc nghẽn để có giải pháp kịp thời, đồng bộ và toàn diện" – ông Trần Tuấn Anh khẳng định.