MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Ăn cơm công nhân mới hiểu sao người lao động buộc phải về quê

06-06-2023 - 11:50 AM | Xã hội

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết hơn 3 triệu lao động trở về các địa phương vừa qua, phần đông cũng là những người mẹ đem theo con bởi không trụ nổi ở thành phố.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung sáng 6-6, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) băn khoăn về cơ hội việc làm với lao động nữ trên 40 tuổi nếu thất nghiệp. Đây là nhóm có nguy cơ cao rút BHXH một lần. Từ đó bà đề nghị Bộ trưởng có giải pháp hỗ trợ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Ăn cơm công nhân mới hiểu sao người lao động buộc phải về quê - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chất vấn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tối qua ông đọc lại báo cáo về lĩnh vực giày da, dệt may. Còn một tháng trước, ông được Thủ tướng phân công đi kiểm tra một số địa phương.

Sau khi cùng sinh hoạt, ăn cơm cùng công nhân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH thấy hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có ngành nghề tới 80% là nữ. Và đối tượng bị giãn việc, mất việc làm, hầu hết rơi vào lao động nữ.

"Trong làn sóng hơn 3 triệu lao động trở về các địa phương vừa qua, phần đông cũng là những người mẹ đem theo con. Không trụ nổi ở thành phố, người lao động mới phải trở về quê" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Vì vậy, việc sa thải lao động nữ trên 40 tuổi, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng lao động phải đào tạo ngay từ sớm, chưa thất nghiệp bởi qua tuổi 40 với ngành dệt may quả thật là rất khó khăn với người lao động vì "mắt đã mờ, chân đã chậm, năng suất làm việc thấp".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Ăn cơm công nhân mới hiểu sao người lao động buộc phải về quê - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết phải có giải pháp chăm lo cho công nhân nữ lớn tuổi như tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm ổn định, chăm lo phúc lợi xã hội thiết yếu, chủ động đào tạo từ sớm, từ xa, cũng như đề nghị địa phương có cơ chế, chính sách tạo việc làm cho lao động nữ thích ứng với điều kiện mới.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thực trạng thu nhập và đời sống hiện tại của công nhân lao động ở nước ta hiện nay. Cần những giải pháp căn cơ gì để chăm lo, hỗ trợ cho đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế suất?

Bộ trưởng nêu con số, thu nhập bình quân của người lao động quý I-2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6% so với quý IV-2022. Trong đó, ngành nghề cơ bản thâm dụng lao động như dệt may 7,2 triệu đồng, điện tử 9 triệu đồng. Các doanh nghiệp cố gắng rất lớn, san sẻ với phương châm khi làm ăn thăng tiến cùng hưởng, khó khăn cùng sẻ chia.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH xác nhận lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là với nữ công nhân ở các khu công nghiệp.

Dự báo thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn, đặc biệt với ngành hàng thâm dụng lao động nhiều, trong đó giày da, dệt may, túi xách, sản xuất hàng xuất khẩu. "Tôi đã từng trao đổi với các đại biểu TPHCM, thời gian dịch bệnh COVID-19 hoành hành đã bào mòn tích lũy của người lao động, cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn, nhưng chúng ta không quá bi quan" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Theo Văn Duẩn - Minh Chiến - Huy Thanh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên