MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng GTVT: Mất 20 - 30 năm mới xong tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Quãng thời gian khá dài nên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải nghiên cứu kỹ, đưa ra lý luận sâu sắc để lựa chọn kỹ công nghệ, tốc độ tàu hợp lý.

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp tiếp nhận báo cáo phương án lựa chọn công nghệ đường sắt tốc độ cao nhằm hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án này trên trục Bắc Nam, chiều 11/9. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì phiên họp.

Bộ trưởng Thể cho biết, đến thời điểm hiện nay, các cơ quan thuộc Bộ GTVT cùng với phía tư vấn đã nghiên cứu báo cáo Bộ nhiều lần về Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Ngọc Đông cũng đã tích cực chỉ đạo hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2018 để sớm báo cáo Thủ tướng cho ý kiến thống nhất trước khi trình Quốc hội vào năm 2019.

Các góp ý tập trung vào việc lựa chọn công nghệ, hình thức vận tải đề xuất áp dụng ở Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh đây là những vấn đề phải nghiên cứu, đánh giá để báo cáo Chính phủ, Quốc hội. "Do đó, cần  phân tích, so sánh ưu, nhược điểm của từng công nghệ, độ bền ra sao, công nghệ nào phù hợp với Việt Nam", Bộ trưởng đề nghị.

Tại cuộc họp, đại diện Liên danh tư vấn, Tedi-Tricc-Tedisouth đã trình bày 3 loại hình tàu cao tốc trên thế giới.

Cụ thể là tàu chạy trên ray vận tốc 200 - 350 km/h, tàu Maglev tốc độ 400 - 600 km/h và tàu Hyperloop chạy trong ống đạt 900 - 1.200 km/h.

Xu hướng công nghệ đối với đoàn tàu tốc độ cao là sử dụng động lực phân tán và động lực tập trung. Công nghệ tập trung chỉ có 2 toa động lực nằm ở hai đầu đoàn tàu (kéo - đẩy).

Công nghệ này đã được ứng dụng tại Pháp, Bỉ, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc… Tàu chạy tốc độ tối đa tới 570 km/h, dù vậy, sức chuyên chở không cao, trung bình 2 chỗ/m, khó thêm hay bớt toa và hợp với bán kính đường cong lớn. Ưu điểm của công nghệ này là chi phí thấp.

Còn công nghệ phân tán là trong một đoàn tàu có nhiều toa động lực, được đánh giá có nhiều ưu điểm hơn như do các thiết bị phân tán nên tải trọng trục của đoàn tàu nhẹ làm giảm quy mô đầu tư công trình, hệ số an toàn, sức chuyên chở lớn, tiêu thụ ít điện năng hơn...

Các nước ứng dụng công nghệ này có Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc.

Theo đại diện Tư vấn, do những ưu việt của hệ thống động lực phân tán nên dần dần một số nước như Đức, Pháp cũng có xu hướng chuyển đổi công nghệ.

Trên nguyên tắc lựa chọn đảm bảo tính đồng bộ, tiếp cận các công nghệ tiên tiến, thuận lợi cho việc tiếp nhận, chuyển giao, phía Tư vấn kiến nghị áp dụng mô hình công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán và công nghệ thông tin tín hiệu điều khiển qua sóng vô tuyến cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Sau khi lắng nghe, Bộ trưởng Thể đã yêu cầu Tư vấn tiếp thu, làm rõ các nội dung góp ý của đại biểu dự họp, hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án và báo cáo Bộ GTVT tại cuộc họp cuối kỳ vào tháng 10 tới.

Nói thêm, Bộ trưởng cho biết dự án sau khi được thông qua phải 20-30 năm mới xong toàn tuyến. Do vậy, các bên liên quan phải nghiên cứu kỹ, đưa ra cơ sở lý luận sâu sắc để lựa chọn kỹ công nghệ, tốc độ tàu hợp lý, đảm bảo được yếu tố hiện đại, tiên tiến theo xu hướng chung của thế giới, cũng như các tiêu chí an toàn, hiệu quả, tối ưu với điều kiện địa lý, khai thác, giá cả và phải thuyết phục được toàn dân và Quốc hội.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên