MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng GTVT: Nghiên cứu nhượng quyền thu phí tại các dự án cao tốc đầu tư công

Bộ trưởng GTVT: Nghiên cứu nhượng quyền thu phí tại các dự án cao tốc đầu tư công

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp giao ban tháng 11/2022 của bộ.

Tại cuộc họp, ngoài vấn đề về tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, vấn đề giải ngân vốn thì một vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặc biệt quan tâm và nhiều lần đề cập là cơ chế thu hút nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguồn lực Chính phủ phân bổ phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông đường bộ trong giai đoạn 2021 - 2025 lên đến hơn 300.000 tỷ đồng. Song, để hoàn thành được quy hoạch đã được phê duyệt vẫn cần nguồn lực xã hội rất lớn.

Nhiệm vụ đặt ra là các đơn vị phải bắt tay vào xây dựng chính sách/đề án thu hút tối đa nguồn lực xã hội thực hiện các dự án của Bộ Giao thông vận tải theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

“Từ các dự án BOT đã triển khai cho thấy, hiện có thực tế khi làm dự án, phương án tài chính rất ổn, nhà đầu tư rất yên tâm. Tuy nhiên, sau đó lại có thêm các dự án khác được đầu tư bằng vốn ngân sách phân lưu dòng phương tiện, gây hụt doanh thu của dự án BOT. Những vướng mắc hiện tại cần được đặt lên bàn cân tính toán, tìm phương án tháo gỡ, tính đúng, tính đủ cho nhà đầu tư. Trường hợp doanh thu các dự án BOT bị tác động cần được đánh giá kỹ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành giao thông vận tải cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu nhượng quyền thu phí tại các dự án cao tốc đầu tư công. Phương thức nhượng quyền nếu thực hiện được sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nhà nước thu hồi được vốn ngay để tiếp tục đầu tư các dự án giao thông khác. “Cơ chế phải có sự đột phá và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận, đánh giá cao kết quả giải ngân Bộ Giao thông vận tải đã đạt được từ đầu năm (đã giải ngân được 34.900 tỷ đồng đạt 63,4% kế hoạch vốn được giao).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng lưu ý các đơn vị không được thỏa mãn với kết quả này. Trong bối cảnh ngành giao thông vận tải quản lý nguồn vốn lớn, mỗi đồng giải ngân của Bộ Giao thông vận tải sẽ có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, mục tiêu cuối cùng là phải giải ngân được nhiều nhất có thể.

Để đạt được mục tiêu giải ngân đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: những dự án lớn như 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) phải phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch.

Riêng với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 phải rốt ráo hơn về chuẩn bị.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hiện Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất để Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh thời gian điều hòa kế hoạch vốn đến trước ngày 31/12/2022. Đây là điều kiện thuận lợi để các đơn vị, Ban quản lý dự án có thời gian triển khai các phương án để có thể giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

Về hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, đánh giá từ đầu năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực khi có sự tăng trưởng mạnh, song vẫn còn những vụ tai nạn thương tâm vẫn xảy ra. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan phải tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục phù hợp.

Bước vào tháng 12, hoạt động vận tải sẽ bắt đầu nhộn nhịp khi cận kề dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vụ Vận tải đặc biệt quan tâm đến quản lý nhà nước về vận tải.

“Cục Đường bộ Việt Nam phải xây dựng kế hoạch kiểm soát chặt quy định về lắp đặt, theo dõi, giám sát thông qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình. Việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe cần được siết chặt để nâng cao kỹ năng cho người tham gia giao thông ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.

Theo Quang Toàn

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên