Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Việt Nam muốn nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức "Đầu tư" vào năm 2030
Nếu đạt mục tiêu này sẽ góp phần làm giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia.
- 21-09-2023Bình Dương đầu tư phát triển đa dạng hạ tầng giao thông kết nối vùng
- 21-09-2023SpaceX, Pacifico Energy, Medtronic... báo cáo Thủ tướng về dự định đầu tư vào Việt Nam
- 21-09-2023Doanh nghiệp Trung Quốc "xếp hàng dài" hiếm thấy ở các gian hàng Việt: Vị trí số 1 Đông Nam Á của Việt Nam vững như bàn thạch
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham gia Tuần lễ Cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có các cuộc làm việc với Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's Global Ratings (S&P) và Moody's.
Tại cuộc làm việc với S&P, đại diện Tổ chức này có đề cập đến một số hạn chế, thách thức đối với hệ số tín nhiệm của Việt Nam, cụ thể về biến động của thị trường bất động sản gần đây.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã thông tin về việc Chính phủ Việt Nam đang triển khai các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, như: Hạ lãi suất cho chủ đầu tư và người mua nhà; xây dựng nhà ở xã hội và sửa đổi quy định về định giá đất.
Đại diện Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P cho biết, trên cơ sở những thông tin tích cực nêu trên, S&P sẽ bổ sung các hành động chính sách này vào đánh giá tổng quan của Tổ chức về thị trường Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm việc với Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's Global Ratings
Tại cuộc làm việc với Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's, Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành quyết định phê duyệt "Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030". Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 Việt Nam sẽ đạt mức xếp hạng tín nhiệm Đầu tư (từ Baa3 đối với thang điểm của Moody’s).
"Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để đến năm 2030 nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức "Đầu tư", góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh
Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị S&P và Moody's chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thị trường trái phiếu ổn định, lành mạnh, trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc chia sẻ kinh nghiệm của hai tổ chức tại các thị trường tương đồng với Việt Nam, về quan điểm trong việc xây dựng quy định về yêu cầu bắt buộc có xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng như trong trường hợp nào yêu cầu phải có tài sản đảm bảo…
Việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như S&P và Moody’s nâng mức tín nhiệm đối với Việt Nam trong năm 2022 và tiếp tục giữ xếp hạng Việt Nam năm 2023 cho thấy sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng, thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.
S&P và Moody’s đều đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi trên nhiều lĩnh vực nhưng đặc biệt là khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo.
VTV