Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra yếu tố 'không chỉ là thể chế' khi thực hiện cắt giảm chi phí thủ tục hành chính
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, để cải thiện công tác tuân thủ thủ tục hành chính, việc quan trọng nhất là thay đổi tư duy và cách tiếp cận của cán bộ thi hành công vụ. Bởi nếu làm không tốt, không thay đổi được tư duy thì dù có ứng dụng công nghệ giỏi thế nào cũng không cải cách được.
- 17-03-2021KCN Kim Thành hơn 1.000 tỷ đồng được cấp chủ trương đầu tư sau 10 năm
- 16-03-2021EVN: Tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên 83% năm 2045 sẽ gây áp lực rất lớn đến đầu tư
- 16-03-2021Việt Nam nằm trong top các nước có giá Internet rẻ nhất thế giới
- 16-03-2021Sắp đến hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân, người nộp thuế cần lưu ý gì?
'Dư địa cải cách thủ tục hành chính còn rất lớn'
Sáng 17/3, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ sẽ tổ chức Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020).
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 thay vì Nghị quyết 19 trước đây nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Một trong số đó là thực hiện khảo sát, nghiên cứu và công bố thường niên báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2020 vừa qua là phép thử khó khăn nhất của bộ máy trung ương và địa phương khi Việt Nam đặt ra mục tiêu kép: vừa khống chế dịch Covid-19, vừa phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá gần nhất của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã tăng hạng cả về chỉ số môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh quốc tế. Đây là những dấu hiệu tích cực phản ánh kết quả mà Chính phủ kiến tạo, đã và đang đạt được.
"Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn nhận khách quan rằng dư địa cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chi phí còn rất lớn. Yêu cầu từ thực tiễn cho sự phát triển chung của nền kinh tế và doanh nghiệp cũng đặt ra rất nhiều thách thức lẫn cơ hội, đòi hỏi chúng ta không ngừng nhìn nhận một cách chi tiết và khách quan vào tình hình doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện mọi việc tốt hơn", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Bộ trưởng nói thêm: "Như vậy, doanh nghiệp, người dân đang phải chịu rất nhiều chi phí không chính thức, mất nhiều thời gian khi làm các thủ tục hành chính, mặc dù chúng ta đã cải tiến rất nhiều nhưng vẫn chưa đủ".
Báo cáo APCI thường niên phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.
4 bài học cải cách từ APCI 2020
APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm thủ tục quan trọng gồm: Đầu tư; Giao dịch thương mại qua biên giới; Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh; Môi trường; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Đất đai; Xây dựng; Thuế và Kiểm tra chuyên ngành.
Theo đó, Bộ trưởng nêu ra 4 bài học cải cách từ APCI 2020:
Thứ nhất, thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên, mà đã làm một nhiệm vụ cấp bách được đặt lên hàng đầu.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí thủ tục hành chính, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bộ máy công cụ liêm chính, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực và chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ 3, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Qua 3 năm, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm thủ tục như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường chuyển sang phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Cuối cùng, chỉ số APCI 2020 phản ánh việc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Công tác cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính phụ thuộc không chỉ vào các yếu tố về thể chế và hạ tầng, mà còn vào chính những người thực hiện.
"Vấn đề quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy và cách tiếp cận của cán bộ thi hành công vụ, đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu làm không tốt, không thay đổi được tư duy thì dù có ứng dụng công nghệ giỏi thế nào cũng không cải cách được", Bộ trưởng kết luận.